Hôm 30/12, hàng nghìn cư dân mạng Trung Quốc đã tưởng nhớ bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong 8 người đầu tiên đưa ra cảnh báo về đại dịch viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc cuối năm 2019. (Ảnh Getty)
Ai cho tôi lương thiện
Là người Việt, ai đi học mà chẳng biết Chí Phèo, miễn là biết Chí Phèo thì biết câu: “Ai cho tao lương thiện?”
Câu nói ấy như một lời trăn trối của Chí Phèo trước khi đâm chết Bá Kiến - thủ phạm chính lấy đi sự lương thiện của anh - rồi tự kết liễu số phận bế tắc của mình. Câu nói ấy đã từng được xem như một lời tố cáo xã hội quá khứ bất công; như một lời chất vấn day dứt không có hồi đáp ở trong cái “làng Vũ Đại” nơi mà ai cũng cho rằng việc không liên quan đến mình.
Tưởng chừng tiếng kêu than của người nông dân bần cùng Chí Phèo đã nằm lại trong “Cái lò gạch cũ”, một hình ảnh đầy ám chỉ, mà thực ra mới chỉ là khởi đầu cho tấn bi kịch của con người thời hiện đại, đặc biệt là ở trong những xã hội chệch hướng ngày nay đã mất đi nhân tính và Thần tính. “Ai cho tao lương thiện” giờ đây đã có thể diễn giải bằng những ngôn ngữ khác và không còn giới hạn ở những lớp người thấp cổ bé họng. Chúng ta phải hiểu câu nói này như thế nào?
“Ở Trung Quốc, những đứa trẻ trung thực sẽ chịu thiệt thòi”
Chính là phát biểu gần đây của ông Tiền Văn Trung, giáo sư tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải.
Ông cho rằng hơn 90% những đứa trẻ trung thực và tốt bụng sẽ phải chịu thiệt thòi trong xã hội, càng có đạo đức tốt, sẽ càng phải chịu nhiều thiệt thòi. Phát biểu của ông đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng Internet của Trung Quốc.
Nhà văn có bút danh Hạ Thiên thì cho rằng, ngày nay ở Trung Quốc, để trở thành người tốt không phải điều dễ dàng. Bởi vì khi anh làm người tốt, anh sẽ bị nghi ngờ, sẽ chẳng mấy ai tin rằng anh làm người tốt mà không có động cơ đằng sau; Anh còn có thể bị lừa, hoặc bị lấy oán trả ơn. Thay vì làm người tốt, người ta bảo nhau hãy làm người giảo hoạt, như thế mới không bị thiệt thòi.
Còn ông Trần Duy Kiện, tổng biên tập của tờ “Mùa xuân Bắc Kinh” - một tạp chí dân chủ, cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng về sự thành tín trong xã hội Trung Quốc đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, nay đang là lúc cao trào của nó. Ông cũng đưa ra sự so sánh về đạo đức giữa ba thế hệ người Trung Quốc. Thế hệ cha mẹ ông đều được giáo dục và lớn lên trong thời đại Trung Hoa Dân Quốc, chịu ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa truyền thống vốn coi trọng đạo đức và thành tín. Sang đến thế hệ ông Trần Duy Kiện - hầu hết sinh ra sau năm 1949, người ta đã không còn dám nói thật công khai, vì có thể bị trừng phạt về mặt chính trị, tuy vậy họ vẫn chân thành với người thân và bạn bè của mình.
Còn lớp trẻ hiện nay thì đã quá quen với việc nói dối chẳng kể thân sơ. “Họ không nói thật nữa. Thói quen này đã ăn sâu vào xương tận xương tủy, họ có thể nói dối mà không đỏ mặt.” (1) - Ông Trần Duy Kiện nói.
Vì ai, vì đâu nên nỗi?
Ông Tiền Văn Trung cho rằng: “Đây không còn là một đất nước bình thường, thì người tốt sao có thể không chịu thiệt thòi đây?” (2)
Còn theo nhà văn Hạ Thiên: cả dân tộc này đều đang “mắc bệnh”. (3)
Ông Trần Duy Kiện cho rằng nguyên nhân sâu xa của các vấn đề xã hội nghiêm trọng ở Trung Quốc đều do Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - tổ chức cầm quyền vốn dối trá ngay từ khi ra đời. Ông nói: “Nhưng hiện giờ thế hệ trẻ đã tiếp thụ sự giáo dục hoàn chỉnh từ ĐCSTQ. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay dạy con nhất quyết không được bộc lộ suy nghĩ thực của mình. Cách giáo dục này đã dạy con người không được làm một người trung thực. Hơn nữa, rất nhiều tấm gương trong xã hội này cũng nói với họ rằng nếu là một người thành tín, họ sẽ gặp chuyện bất trắc trong xã hội này, và không thể sống tiếp.” (4)
Ông Tăng Kiến Nguyên, Phó Giáo sư thuộc Khoa Quản lý hành chính Đại học Trung Hoa, cho rằng ĐCSTQ lấy đảng tính thay thế nhân tính, dùng văn hóa đảng cổ súy cho dối trá, độc ác và tranh đấu thay cho văn hóa truyền thống Trung Hoa với những giá trị Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, và chụp cho nó cái mũ “cổ hủ phong kiến lạc hậu”.
Còn nhà văn Trần Phá Không hiện đang ở Mỹ thì cho rằng ĐCSTQ có 6 đặc điểm giống một tôn giáo biến dị: “tôn sùng giáo chủ”, “khống chế tinh thần”, “biên tạo tà thuyết”, “cổ súy tiền bạc”, “tổ chức bí mật” và “gây nguy hại xã hội”.
Để có thể duy trì văn hóa dối trá trong xã hội, ĐCSTQ sử dụng bạo lực trấn áp, và tiếp tục dối trá để biện hộ cho dối trá. Và sau mấy chục năm “cải tạo xã hội” thì dối trá đã từ một điều bất thường trong xã hội truyền thống, trở thành một điều bình thường trong xã hội của ĐCSTQ. Còn trung thực, tốt bụng, chân thành mới trở nên bất thường và lạc lõng.
Chuyện không chỉ của riêng ai
Như vậy là một số trí thức Trung Quốc có thiện tâm ngày nay, lo lắng cho tiền đồ dân tộc, cũng phải đau đớn kêu than: “Ai cho chúng ta lương thiện?”, với một số người, đó là tiếng gọi khắc khoải từ sâu trong lương tâm vẫn còn chưa mất hẳn; nhưng với rất nhiều người khác, nó được coi như một lời bào chữa để người ta yên tâm vượt qua ranh giới đạo đức.
Chẳng hạn:
Tôi không ‘chạy’ thì người khác cũng ‘chạy’; không tham thì người khác cũng tham”;
“Kẻ nào ở vị trí ấy mà chẳng thế”;
“Tôi có thể không cần bôi trơn, nhưng còn cấp trên của tôi thì sao?”;
“Bây giờ cả xã hội nó thế, riêng mình thì thay đổi được gì?”;
“Đời ai cũng chỉ sống một lần, tranh thủ mà hưởng, nghĩ nhiều làm gì?”;
“Không thích nghi làm sao tồn tại được?”;
“Người không vì mình, Trời tru Đất diệt”;
v.v.
Thực chất đó cũng là một cách diễn giải, bào chữa rằng: “Ai cho tao lương thiện, khi cả xã hội đã trở thành bất lương?”
Dường như đến cái thời mà người ta gọi là “mạt Pháp” này, đây cũng không phải là câu chuyện của riêng ai, hay của xã hội nào.
Sự lương thiện là vô điều kiện và không cần ai cho phép
Nho gia cho rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện; Tính tương cận, tập tương viễn - con người sau khi được sinh ra, bản tính là lương thiện, nhưng nếu lớn lên trong hoàn cảnh xấu có thể bị tập nhiễm thói xấu”. Sự lương thiện đã là một bản chất tự nhiên của con người thì đâu cần ai cho phép và đâu cần điều kiện gì. Sao cứ phải nhìn xem người khác có lương thiện hay không thì mình mới lương thiện? Hay là lương thiện để được đổi lấy điều kiện gì có lợi cho bản thân? Như thế đâu còn là lương thiện nữa.
Vì vậy, “Ai cho tao lương thiện?” thực chất là một sự biện bạch nếu không thiếu ngay thẳng cũng là thiếu dũng khí.
Trong kinh điển Đạo Đức Kinh có câu: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện”, ý rằng, người lương thiện không nói lời biện minh khôn khéo, tìm lý do cho việc bất thiện lại càng là bất thiện. Cũng trong Đạo Đức Kinh lại có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói rằng đạo Trời không thân với riêng ai nhưng thường ưu ái cho người lương thiện. Hành thiện tích đức là có thể giữ lấy phúc báo cho mình.
Chu Tử có dạy rằng: “Thi huệ vô niệm, thụ ân mạc vong”, tạm hiểu là: Làm điều tốt không cần suy tính, mang ơn người đừng bao giờ quên.
Nói cách khác, đã làm người thì làm điều lương thiện là đương nhiên, không ngại phiền hà, không sợ làm ơn mắc oán, không cần so đo tính toán, không màng báo đáp… hơn thế nữa, đã mang ơn thì nhất định không quên. Hiện nay ở Trung Quốc có còn những người như thế hay không?
Lương thiện của những người sống theo tôn chỉ Chân - Thiện - Nhẫn
Chân - Thiện - Nhẫn là những giá trị cao đẹp nhất mà lịch sử loài người từng biết đến. Tạm hiểu rằng đó là “Chân thật, Lương thiện và Nhẫn nại”. Nếu nói như các trí thức Trung Quốc đã đề cập ở trên, thì đây mới là những người thiệt thòi nhất, vì họ là những người trung thực, thiện lương và nhẫn nại nhất. Quả thực, sau 7 năm ca ngợi về ích lợi của Pháp Luân Đại Pháp, chính quyền ĐCSTQ Trung Quốc đã quay ngoắt 180 độ để vu khống và bức hại hơn 100 triệu học viên là các công dân lương thiện của nó, và kéo dài suốt từ tháng 7/1999 đến nay vẫn chưa dừng lại.
Chỉ riêng tháng 7/2022, vẫn có thêm 56 học viên Pháp Luân Công bị kết án bất hợp pháp tại Trung Quốc. Theo trang Minh Huệ Net, trong năm 2021 đã xác nhận 132 học viên Pháp Luân Công đã qua đời vì cuộc bức hại, 1.187 học viên (người cao tuổi nhất là 88 tuổi) đã bị kết án tù, và 16.413 học viên đã bị bắt và sách nhiễu vì đức tin của họ.
Những học viên Pháp Luân Đại Pháp không vì thế mà từ bỏ Chân - Thiện - Nhẫn, cũng chẳng thấy ai than rằng: “Ai cho tôi lương thiện?”. Với họ, sống lương thiện là một lẽ đương nhiên, là tuân theo quy luật bất biến của vũ trụ. Họ cũng không màng nguy hiểm, phiền phức để mang chân tướng cuộc bức hại đi thức tỉnh thế nhân, bởi họ hiểu rằng xưa nay, những kẻ bức hại và hùa theo bức hại chính Pháp, chính giáo không bao giờ có kết cục tốt đẹp. Đó là gì nếu không phải một việc Đại Thiện?
Minh Huệ Net cũng báo cáo về những trường hợp bức hại bị quả báo, chỉ riêng năm 2021 là 553 người, đa phần là thuộc các cơ quan chính quyền, còn lại là người dân bị lừa gạt. Quả thực là “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.
Chỉ cần thiện lương, Trời xanh kia ắt có an bài
Lương thiện có thể là một điều khó thực hiện trong một hoàn cảnh nhất định, nhưng lựa chọn lương thiện hay không vẫn tùy thuộc vào từng cá nhân. Nếu đã hiểu được lương thiện là bản tính tự nhiên của con người, là thiên lý của vũ trụ Nhân - Quả, thì căn bản là người ta không đặt ra câu hỏi: “Ai cho tôi lương thiện?” Nếu không, thì đã không còn là người lương thiện nữa rồi.
Xưa nay, Nhân - Quả báo ứng có thể đến muộn, chứ không phải là không đến, cứ nhìn vào hiện tình của Trung Quốc ngày nay thì biết, trong ngoài đều rối ren. Tính đến ngày 6/8 vừa rồi, đã có đến 400 triệu người Trung Quốc thoái xuất ra các tổ chức Đảng, Đoàn, Đội của ĐCSTQ. Thế giới cũng đang thức tỉnh và tìm cách ngăn chặn sự hung hãn của ĐCSTQ. Và những học viên Pháp Luân Đại Pháp sau 23 năm bị bức hại vẫn giữ vững sự lương thiện, can đảm cần mẫn đi thức tỉnh thế nhân nhận chân sự thật, không vào hùa theo kẻ ác.
Trời Đất chuyển vần, thời của kẻ ác đã hết, lòng người đang thức tỉnh để quay về với những giá trị Chân - Thiện - Nhẫn chân chính, miễn là lương thiện thì còn có ngày mai, đâu cần phải băn khoăn ai cho mình lương thiện.
Nguyên Vũ
Chú thích:
(1), (2), (3), (4), trích bài dịch: “Giáo sư Đại học Phục Đán: Ở Trung Quốc, những đứa trẻ trung thực sẽ chịu thiệt thòi” trên trang trithucvn.org
Nhận xét
Đăng nhận xét