Cái tâm và tính thiện lương đều có trong mỗi người, không riêng gì doanh nhân. Tôi thường nhắc nhở bản thân và nhân viên “đánh thức” tinh thần đó.
>>Quản trị là bộ não, tâm thế là trái tim
"Dù là công tác xã hội, thiện nguyện hay kinh doanh tính lương thiện sẽ hướng mình làm điều đúng đắn, có ích cho xã hội", doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (VJC) chia sẻ về đạo đức doanh nhân.
Thực tế, trong suốt hơn 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đã cùng các đồng nghiệp của mình nỗ lực chung tay phòng, chống dịch bệnh, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng. Tập đoàn Sovico, Vietjet, HDBank… đã dành hàng ngàn tỉ đồng để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.
Đây cũng là những doanh nghiệp đầu tiên tham gia ủng hộ quỹ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ, đưa ra giải pháp website đóng góp trực tuyến cho quỹ, huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước tạo ra sự tương tác trực tuyến giữa người dân đóng góp với Kho bạc Nhà nước - Cơ quan quản lý quỹ, góp phần huy động thành công gần 9.000 tỉ đồng cho quỹ vaccine...
Các doanh nghiệp của doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo dành tặng nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế, như máy thở, khẩu trang, thuốc men, vaccine, xe cứu thương… cho người dân, các địa phương, chuyên chở miễn phí lực lượng tuyến đầu chống dịch. Hơn 1,8 triệu suất ăn đã được đích thân bà và các đồng nghiệp của mình cung cấp cho y bác sĩ, người dân tại các khu phong tỏa, cách ly, điều trị tại TP.HCM và các khu vực lân cận.
Nền tảng công nghệ y tế hỗ trợ chống dịch Việt Nam khỏe mạnh là sáng kiến có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ các địa phương kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ khai báo y tế, cho phép quản lý xét nghiệm, tiêm vaccine, truy vết… Nữ tỉ phú cũng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ và sản xuất thành công vaccine tại Việt Nam, sẵn sàng và chủ động nguồn vaccine trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là người đưa ra sáng kiến và tài trợ giải pháp công nghệ "giải cứu" cho sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) - một điểm sáng của ngành tài chính và kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của nền kinh tế.
Dự án được gọi tên là HOSE 100 với mục tiêu 100 ngày phải xử lý tình trạng nghẽn giao dịch đã thành công tốt đẹp, hệ thống mới có khả năng xử lý một ngày 3-5 triệu lệnh, gấp 5 lần hệ thống cũ và được Bộ Tài chính tặng bằng khen ghi nhận góp phần vào hoạt động liên tục, ổn định của thị trường chứng khoán, tăng trưởng tới 46% năm 2021 so với 2020, với tổng vốn hoá thị trường tăng trưởng trên 100 tỷ USD.
Được biết, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo khởi nghiệp kinh doanh khi còn là một du học sinh tại nước ngoài, năm 21 tuổi bà có được 1 triệu USD đầu tiên nhờ sự chăm chỉ nghiêm túc vừa học vừa làm với những giao dịch thương mại quốc tế của mình.
Cũng rất ít người biết những đổi mới của kinh tế Việt Nam từ những năm 1990 có "bóng dáng" của người phụ nữ "kín tiếng" này đóng góp. Từ việc tham gia hỗ trợ chương trình xoá nợ quốc gia tới 95% của Việt Nam và trả nợ chỉ bằng hàng hoá, thay vì ngoại tệ.
>>Làm giàu, cống hiến và tự tôn dân tộc
>>Trách nhiệm xã hội nằm trong ý thức mỗi chúng ta
>>“Bí quyết” xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Bình
Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet đã cất cánh với giấy phép số 01, hiện thực hóa "giấc mơ bay" cho hàng chục triệu người khắp trong và ngoài nước, mang tới cuộc cách mạng trong ngành hàng không Việt Nam. Tại một sự kiện đặc biệt dành cho các doanh nhân và báo giới, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ:
"Doanh nhân khởi nghiệp đừng tiết kiệm ước mơ, hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến ước mơ thành hiện thực bằng những hành động giản dị mỗi ngày tại doanh nghiệp, tổ chức của mình. Hãy biến điều không thể thành có thể, biến ước mơ thành hiện thực".
Tập đoàn Sovico mà doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đảm nhiệm vai trò chủ tịch là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam trở thành đối tác của Liên Hiệp Quốc trong chương trình phát triển bền vững giảm thải CO2, bảo vệ môi trường, phát triển con người, văn hóa, xã hội, hỗ trợ các sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo…
Nữ tỉ phú cũng góp tiếng nói của mình trong các sáng kiến quốc tế của UNESCO để mang tới những giải pháp thiết thực hỗ trợ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, đối tượng dễ bị bỏ lại phía sau khi thế giới chuyển dịch sang giáo dục trực tuyến trong bối cảnh đại dịch.
"Nhờ khoa học và công nghệ, tôi và nhiều nữ doanh nhân khác có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để các bé gái được quan tâm trong giáo dục trực tuyến, để có được nhiều hơn đại diện, gương mặt nữ giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật, toán học và tôi sẽ luôn hành động vì một tương lai tươi sáng hơn dành cho phụ nữ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số", nữ tỉ phú khẳng định.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo và tập đoàn Sovico cũng đã quyết định đóng góp hàng trăm triệu USD cho trường thuộc Đại học Oxford, tạo ra môi trường nghiên cứu, học thuật, ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội cho sinh viên đến từ Việt Nam và các nước đang phát triển…
Nhận xét
Đăng nhận xét