Đạo Đức Kinh là trước tác chứa đựng trí tuệ thâm sâu của Lão Tử, ẩn chứa rất nhiều đạo lý nhân sinh, những bài học đối nhân xử thế vô cùng hữu ích. Dưới đây là 7 triết lý trong Đạo Đức Kinh ứng với 7 đức tính của người có phúc, đáng để chúng ta học tập.
1. Nói năng cẩn trọng
“Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri”, người biết thì không nói, người nói là người không biết. Người trí tuệ thường không nói nhiều lời, người mà lúc nào cũng chỉ trích người khác thì thường không sáng suốt, thậm chí rước họa vào thân.
Cổ ngữ nói: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”, lưỡi của con người là mềm mại nhất nhưng rất nhiều khi lại là vũ khí sắc bén nhất. Người nói nhiều tất sẽ nói lỡ, rất nhiều sự tình khi đã nói lỡ rồi sẽ khó vãn hồi được hậu quả. Cho nên, người có phúc nhất định phải là người thận trọng từ lời nói đến việc làm. Trong cuộc sống, người có thể quản tốt được cái miệng của mình chính là người quản tốt phúc khí của bản thân mình.
2. Khiêm tốn
“Đôn hề kì nhược phác, khoáng hề kì nhược cốc”, người ta cần mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt, giữ cho bản thân trống rỗng như hang núi. Làm người nên là như vậy, khiêm tốn chất phác, xem mình không có gì cả. Bởi vì khiêm tốn chất phác chính là phúc khí của một người.
Người khiêm tốn luôn nhìn thấy những chỗ thiếu sót của bản thân mình, có thể quan tâm tôn trọng người khác. Họ cũng không cậy tài mà quát nạt người, coi thường người khác. Khi một người mang trong mình đức tính khiêm tốn, “thấp điệu”, nguyện ý ở dưới người khác, thì bạn bè và các mối quan hệ của họ cũng rộng mở, phúc khí cũng tăng lên theo.
3. Kiên trì đến cùng
Đại khí vãn thành”, người có tài thường thành đạt muộn, nhưng thành tựu lại lớn. Một người có khả năng gánh vác được trọng trách thì cần phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài. Cho nên, nếu như hiện tại đang gặp khổ nạn thì càng phải cố gắng kiên trì rèn luyện bản thân, có như vậy thì tương lai mới càng có phúc khí. Người có phúc khí đều phải trải qua suy sụp, thất bại.
Ngày hôm nay ở trong khó khăn mà giữ được lòng kiên trì cố gắng thì phúc khí nhất định sẽ tới vào ngày mai. Đây cũng chính là phù hợp với đạo lý “Thiên đạo thù cần”, đạo trời ban thưởng cho người kiên trì cố gắng.
4. Đạm nhiên
“Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi phất cư”, bậc thánh nhân lấy tâm thái thuận theo tự nhiên để xử lý việc đời, thực thi giáo hóa mà không đưa ra mệnh lệnh, để cho vạn vật sinh trưởng thuận theo quy luật tự nhiên của chúng mà không can thiệp vào, nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, bồi đắp vạn vật mà không khoe mẽ năng lực của mình, thành tựu vạn vật nhưng cũng không tự cho đó là công của mình. Nguyên nhân chính là vì họ không kể công cho nên công lao sự nghiệp của họ không mất đi thứ gì.
Nhân sinh trên đời, thứ gì của chúng ta thì sẽ không mất, thứ không phải của chúng ta cho dù có dùng hết thủ đoạn cũng sẽ khó chiếm được, có chiếm được cũng không lâu bền. Người có phúc sống thuận theo tự nhiên, không tranh giành, bởi vì họ xem nhẹ được mất, trong tâm thấy đủ, tin vào sự an bài số mệnh. Chính vì thế nên phúc khí của họ cũng tự nhiên không bị mất đi.
5. Tự biết rõ mình
“Tri nhân giả trí, tự tri giả minh”, người có thể hiểu biết người khác là người có trí tuệ, còn người có thể hiểu rõ chính mình mới là bậc cao minh. Phúc khí lớn nhất của một người chính là có thể nhận rõ chính mình, thủ vững bổn phận của chính mình, không làm những sự tình vượt quá năng lực và bổn phận của bản thân mình.
Một người cao minh, có thể nhìn rõ được mình thì cũng nhất định hiểu được người khác. Cái “minh tỏ” trong tư tưởng của Lão Tử chính là thấy rõ được năng lực, ưu khuyết điểm của bản thân, biết rõ được hành vi và tư tưởng của bản thân mình là đúng hay sai, từ đó không làm ra những sự tình trái đạo lý của trời đất mà tránh được tai họa.
6. Thận trọng làm việc đến nơi đến chốn
“Thận chung như thủy, tắc vô bại sự” tức là thận trọng từ đầu đến cuối thì việc sẽ không bị hư. Lão Tử cho rằng đối với bất kể sự tình gì, trước sau đều phải thận trọng, phải thủy chung bảo trì sự nhiệt tâm đối với làm việc, làm được đến nơi đến chốn. Một người muốn có phúc báo thì làm việc gì cũng phải đặt tâm, không thể làm qua loa hời hợt.
Người làm việc gì cũng qua quýt lấy lệ, “đầu voi đuôi chuột”, làm ứng phó thì tự nhiên sẽ không thể có được kết quả tốt đẹp. Chỉ có làm việc thận trọng, thật tâm bỏ công bỏ sức làm từ đầu tới cuối thì mới có được thành tựu, cơ hội nhất định cũng sẽ đến với họ.
7. Biết đủ, biết dừng
“Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, nghĩa là biết đủ thì không bị nhục, biết dừng thì không gặp nguy hiểm, có thể được lâu bền. Công thành rồi thì thân thoái, xưa nay trăm loại cây cối khi hoa nở thì rực rỡ xán lạn, nhưng một khi có quả thì hoa liền rụng xuống. Khi quả đã trưởng thành thì hương thơm bay xa, nhưng một khi quả đã chín rồi thì cũng sẽ rụng xuống, sẽ không chiếm cứ chỗ trên cành cây nữa. Bởi vậy, Lão Tử cho rằng, hành vi của con người phải phù hợp với đạo của trời, công lao sự nghiệp đã thành rồi thì nên lui về phía sau, đối với tài vật thì phải biết đủ, biết dừng.
Người biết đủ sẽ thường xuyên cảm thấy thỏa mãn, cả đời sẽ không bị dục vọng của mình khống chế mà làm nhục chính mình. Người làm việc có chừng có mực, biết dừng lại đúng lúc thì sẽ có thể tiết chế được mình, kiểm soát được hành vi của mình. Vì thế, cả đời họ sẽ không vì hành vi không phù hợp của mình làm cho cảm thấy hổ thẹn, gặp tai họa. Cho nên, người biết đủ, biết dừng cũng chính là người có phúc, họ thường sống bình an suốt cuộc đời.
Theo ttvn
Nhận xét
Đăng nhận xét