Mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này đều không nằm ngoài quy luật nhân quả. Nhân quả báo ứng như bóng theo hình, không sai chạy dù chỉ một ly. Nhưng, nhân quả khác với số phận là có thể thay đổi được, “lòng người sinh một niệm, trời đất đều thấu tỏ”, kính Trời kính Thần, tất cả đều tuân theo lẽ Trời mà hành thiện, qua đó con người có thể cải biến vận mệnh của mình.
Thời nhà Tống, Tào Châu có một tú tài tên là Chu Vinh Tổ. Tổ tiên nhà họ Chu có rất nhiều tài sản. Ông nội Chu Vinh Tổ kính trời thờ Phật, xây cất Phật đường, ngày ngày đọc kinh niệm Phật, hành thiện tích đức, gia nghiệp hưng thịnh. Đến đời cha Chu Vinh Tổ thì chỉ kinh doanh sản nghiệp, không tín Thần Phật. Vì sửa sang nhà cửa, phụ thân của Chu tú tài tiếc tiền mua gạch ngói gỗ đá, bèn tháo dỡ Phật đường ra dùng. Đến khi nhà cửa sửa xong thì ông ta đổ bệnh không dậy nổi, chữa trị thế nào đi nữa cũng không có hiệu quả. Mọi người đều cho là do tội không tín Phật. Sau khi phụ thân chết, Chu Vinh Tổ cai quản gia nghiệp. Do nghiệp học có thành tựu nên họ Chu muốn lên kinh thành ứng thí, liền dẫn vợ là Trương thị và đứa con trai còn bọc trong tã là Trường Thọ cùng đi. Anh ta đem vàng bạc mà tổ tiên để lại chôn ở một cái máng đá ở dưới bức tường của sân sau, chỉ mang theo một ít bạc vụn, và gọi một người trông nom nhà cửa, sau đó cả nhà lên kinh để anh dự thi.
Khi đó, vùng Tào Châu có một người nghèo tên là Giả Nhân, thường ngày sống bằng nghề gánh đất xây tường, nghèo rớt mồng tơi, sống trong một nhà hầm cũ nát. Anh ta thường nghĩ: “Tại sao người khác sung túc thế, mà chỉ riêng mình lại túng quẫn thế này”, trong tâm thường oán hận bất bình. Hàng ngày lúc nhàn rỗi, ông thường đến miếu Đông Nhạc kể khổ với Thần linh rằng: “Kẻ hèn này đặc biệt đến khẩn cầu: Con đây, Giả Nhân này cũng là một người bình thường như bao người khác, tại sao lại nghèo khổ đến như vậy? Chỉ cần con có chút phú quý thì sẽ thương xót mẹ góa con côi, kính già thương nghèo. Cúi xin Thượng Thánh rủ lòng thương xót.”
Một hôm, sau khi cầu nguyện xong, Giả Nhân nằm ngủ dưới mái hiên, bỗng trông thấy Linh Phái Hầu trước điện đang sai Thần Tăng Phúc tra sổ tài lộc cơm áo của mình. Thần Tăng Phúc tra xong báo lại rằng: “Giả Nhân đời trước mạo phạm trời đất, bất hiếu cha mẹ, phỉ báng Tam bảo, sát sinh hại mệnh, lãng phí nước sạch, coi thường ngũ cốc, thế nên đời này sẽ phải chịu cảnh đói rét mà chết”.
Giả Nhân nghe vậy, liền khẩn khoản cầu xin: “Thưa Thượng Thánh, xin Ngài ban cho con chút tài lộc, con cũng muốn làm người tốt. Khi cha mẹ con còn sống, con cũng đã gắng sức phụng dưỡng, cũng là người con hiếu hạnh”.
Linh Phái Hầu nói: “Ta đã tra thử hành vi thường ngày của y, tuy chưa thấy có việc thiện gì, nhưng phụng dưỡng cha mẹ thật sự là có. Đời này, y đáng ra phải chịu đói rét, nhưng niệm tình y có chút hiếu tâm, trời cao có đức hiếu sinh, chúng ta tạm xem có phúc lực của nhà khác mà chưa dùng đến, mượn tạm chút cho y, coi như thưởng cho chút hiếu hạnh của y vậy”.
Tăng Phúc Thần nói: “Tiểu Thần tra thấy ở gia trang nhà Chu tú tài ở Tào Nam thuộc Tào Châu, nhà này tích được âm đức ba đời, vì phụ thân Chu tú tài bất kính với Thần Phật, tháo dỡ Phật đường, một niệm sai khác nên khiến con cháu chịu tội một thời gian. Nay đem phúc lực nhà đó cho họ Giả mượn tạm 20 năm, đợi hết kỳ hạn thì sai y hai tay dâng trả lại tài sản cho chủ cũ, được thế thật là vẹn toàn cả hai bên”.
Linh Phái Hầu nói: “Cũng được”.
Giả Nhân khấu đầu tạ ân Thượng Thánh đã từ bi cứu vớt, tỉnh dậy thì thấy đó là giấc mộng nam kha, ông ngẫm nghĩ: “Vừa rồi nghe Thượng Thánh nói, lấy phúc lực của nhà nào đó cho mình mượn 20 năm, sự việc trong mộng không biết có đáng tin không. Hôm qua, nhà phú hộ muốn xây tường, bảo mình tìm phôi gạch, giờ mình đi tìm phôi gạch vậy”.
Vừa khéo người giữ nhà cho Chu Vinh Tổ đêm nọ ngủ say, nhà cửa bị trộm lẻn vào cướp sạch. Trong nhà không còn gì có giá trị để mang đi bán, chỉ còn một bức tường cũ ở sau vườn. Người giữ nhà nghĩ: “Bức tường cũ này cũng chẳng dùng vào được việc gì, chi bằng bán đống gạch này đi kiếm ít tiền sống qua ngày”. Người này đi ra phố gặp ngay Giả Nhân. Giả Nhân nói: “Nhà tôi đang cần gạch”. Rồi hai bên mặc định cả xong đâu đấy. Khi Giả Nhân cuốc gạch thì cạy lên một phiến đá, bên dưới phiến đá có một cái máng đá, chứa đầy vàng bạc, nhiều không đếm xuể.
Giả Nhân kinh ngạc nói: “Thần linh linh nghiệm thật, chuyện này đã ứng với giấc mộng đêm qua rồi”. Sau khi chở gạch về nhà, ông ta lại đến chuyển số vàng bạc này đi. Giả Nhân có số bạc này, đã mua nhà cửa, công việc làm ăn càng ngày càng lớn, đường bộ có ruộng, đường thủy có thuyền, mọi người cũng thay đổi xưng hô, gọi ông là Giả viên ngoại.
Tuy có gia nghiệp lớn vậy, nhưng Giả viên ngoại lại rất bủn xỉn, một xu cũng không tiêu, của cải tích cóp được càng ngày càng nhiều, mọi người gọi ông là Giả hà tiện. Giả Nhân lấy vợ, nhưng lại không có con. Giả Nhân thuê một người tên là Trần Đức Phủ trông coi sổ sách, thường ngày ông nói với Trần Đức Phủ rằng: “Ta tuy có gia nghiệp thế này, nhưng lại không có con cái thừa kế, nếu có người đồng ý làm con nuôi, dẫu là nam hay nữ, ông hãy tìm giúp tôi một người”.
Lại nói về cả nhà Chu Vinh Tổ lên kinh dự thi, tiếc rằng vận mệnh không thông, công danh chẳng đạt. Sau khi trở về nhà, ngờ đâu chỉ còn lại ngôi nhà không. Anh đi tìm di vật tổ tiên mà anh đã chôn dưới chân tường, thì thấy chỉ còn lại cái máng đá không. Cuộc sống khó khăn, đành bán ngôi nhà đó đi, rồi cả gia đình ba người đi Lạc Dương thăm người thân. Nào ngờ thân quyến từ lâu đã chuyển đi nơi khác rồi, lộ phí mang theo đã tiêu hết cả, đành phải đi xin ăn dọc đường, chịu đủ khổ cực.
Khi đến Tào Nam, ngay đúng mùa đông, mấy ngày liền trời đổ tuyết lớn, cả nhà ba người vừa đói vừa rét, bao lần tìm đến những nhà giàu có xin nương nhờ nhưng đều bị từ chối, đành đến một quán rượu tránh tuyết. Trần Đức Phủ đang ở trong quán, thấy được tình cảnh này, nói rằng: “Tôi thấy anh khó khăn thế này, hay là anh để đứa bé làm con nuôi người ta, anh thấy sao? Ở đây có một đại phú hộ không có con cái, nếu cho đứa bé này làm con nuôi ông ấy thì sau này gia sản đều là của con anh thôi. Vừa khéo ông ấy lại đang nhờ tôi tìm giúp con nuôi giúp đấy!”.
Chu Vinh Tổ bèn bàn bạc với vợ: “Nếu được thế này, thì còn tốt hơn là chết đói chết rét cả lũ. Chỉ cần người ta nuôi sống nó, thật chẳng mong gì hơn”.
Trần Đức Phủ bèn nói rõ sự tình với Giả viên ngoại, Giả viên ngoại mừng lắm, hai bên lập giấy tờ. Lúc này, Trường Thọ đã 6 tuổi, Chu Vinh Tổ dặn dò con trai rằng: “Cha mẹ làm như vậy thực sự là bất đắc dĩ, con ở đây cũng tránh được cảnh đói cơm rét áo. Con ở với người ta, phải biết đối nhân xử thế, phải ngoan phải nghe lời, sau này cha mẹ sẽ đến thăm con”. Ba người đau đớn khóc lóc từ biệt nhau.
Giả viên ngoại nhận con nuôi, gọi nó là Giả Trường Thọ, chuyện này được ông và người trong nhà giữ kín như bưng, Trường Thọ qua năm tháng trưởng thành cũng dần quên hết chuyện ngày còn thơ bé, chỉ nhận Giả viên ngoại là cha. Người cha keo kiệt bủn xỉn bao nhiêu, thì cậu lại hào phóng, trượng nghĩa khinh tài bấy nhiêu, người đời thấy cậu vậy, bèn gọi cậu là “tiền xả”. Hơn mười năm trôi qua, vợ chồng Giả Nhân lần lượt qua đời, Trường Thọ trở thành tiểu viên ngoại, cai quản gia nghiệp.
Lại nói, vợ chồng Chu Vinh Tổ đi khắp nơi tìm người cưu mang mà không được, lưu lạc tha hương mười mấy năm trời, nay đã khất thực trở về nhà, muốn đến nhà họ Giả xem tin tức con trai. Đến thôn Tào Nam, thấy một hiệu thuốc, trên tấm biển có 2 chữ “Thí dược” (bố thí thuốc), hai người liền vào hỏi thăm, chủ nhân chính là Trần Đức Phủ. Trần Đức Phủ nói: “Giả viên ngoại đã qua đời rồi, con trai ông là Giả Trường Thọ, nay đã là tiểu viên ngoại rồi, cậu không keo kiệt như người cha, mà rất trượng nghĩa khinh tài, tiền vốn của hiệu thuốc ‘thí dược’ ở chỗ tôi đây đều là cậu ấy chu cấp cả đấy”.
Trần Đức Phủ tìm gặp Giả Trường Thọ, đem chuyện xưa nói ra ngọn ngành. Giả Trường Thọ tuy nhiều năm không có ai nói đến chuyện đó, nay nghe nói, hồi tưởng lại những chuyện ấu thơ, vẫn mang máng nhớ được ít nhiều, liền vội vàng lấy một tráp vàng bạc chạy đến quán để nhận cha mẹ. Vợ chồng Chu Vinh Tổ thấy con trai thì mừng rỡ vô cùng. Giả Trường Thọ dâng vàng bạc lên, Chu Vinh Tổ đang muốn từ chối thì thấy trên những thỏi vàng thỏi bạc có khắc chữ “Chu Phụng ký”. Chu Vinh Tổ nói: “Đây chẳng phải của nhà ta đó sao?”. Trần Đức Phủ kinh ngạc nói: “Sao lại của nhà ông được?”
Chu Vinh Tổ nói: “Ông nội tôi là Chu Phụng, đây đích thị là chữ ông nội tôi khắc đó”.
Trần Đức Phủ xem xong rồi nói: “Vậy tại sao nó lại ở nhà họ Giả được?”.
Chu Vinh Tổ nói: “20 năm trước, học trò dẫn cả nhà lên kinh dự thi, đem của cải tổ tiên để lại chôn ở dưới đất, sau khi trở về thì không còn nữa”.
Trần Đức Phủ nói: “Giả viên ngoại vốn là người nghèo khổ, làm nghề đào đất làm tường cho người ta. Ngẫu nhiên phát tài giàu có, có lẽ là của cải của nhà ông bị ông ta đào rồi, thế nên mới như thế này. Ông ta không có con cái, lại nhận con ông làm con nuôi, thừa hưởng gia sản này. Vật trở lại với chính chủ, chẳng phải ý Trời đó sao. Thảo nào thường ngày ông ta không dám chi tiêu dẫu chỉ một xu, không nỡ lãng phí chút nào, thì ra đó không phải là của cải của ông ấy, chỉ là trông coi giúp cho gia đình ông mà thôi”.
Vợ chồng Chu Vinh Tổ không ngớt lời cảm thán, nói rằng: “Đây đúng thật là nhân quả báo ứng mà!”. Chu Vinh Tổ kể lại chuyện ông nội tín Phật, còn cha thì không. Giả Trường Thọ đón cha mẹ về nhà, Chu Vinh Tổ đem vàng bạc trong hòm ra trao lại cho con trai, bảo con ngày mai đem phân phát cho những người nghèo khó không nơi nương tựa. Ông lại bảo con trai noi gương cụ tổ, dựng lại Phật đường, cả hai vợ chồng cùng tu hành. Giả Trường Thọ đổi lại họ Chu, cả nhà đều kính Phật hướng thiện, gia nghiệp càng ngày càng thịnh vượng.
Ông nội Chu Vinh Tổ “Tích phúc lực, âm đức ba đời”, ông nội sùng Phật mà gia sản giàu có. Còn phụ thân ông vì xây sửa nhà mà phá hủy Phật đường để lấy gạch ngói, gỗ, bởi thế mà phúc thọ tiêu giảm, gia nghiệp lụn bại, “một niệm sai, cả nhà chịu tội”. Còn Giả Nhân do đời trước bất kính trời đất, “vốn bị đói rét mà chết, Thần linh vì hiển thị đức hiếu sinh của thiên thượng, nên đã đem phúc lực của nhà họ Chu cho ông ta mượn 20 năm. Chu Vinh Tổ chịu cảnh nghèo khổ trong 20 năm, sau 20 năm, quả nhiên vật về với chủ cũ, có thể thấy vật có chủ đã định như vậy rồi, người thế gian chỉ uổng phí tâm cơ.
Mọi sự tình xảy ra trên thế gian đều có quan hệ nhân quả, Thiên lý tuần hoàn, báo ứng chẳng sai lệch. Do đó con người sao có thể không cẩn thận đây? Tin vào chân lý thiện ác có báo, tự giác hành thiện tích đức, không chỉ tăng thêm phúc phận và tránh tai họa cho bản thân, hơn nữa còn tạo nền móng tích phúc cho con cháu đời sau. Kính Trời kính Thần, tất cả đều tuân theo lẽ Trời mà hành thiện, đó chính là việc quan trọng nhất quyết định vận mệnh và tương lai của con người.
Theo Minh Huệ Net
Vũ Dương biên dịch
Nhận xét
Đăng nhận xét