Một vài người mới tu hành, thường khởi tâm khoe khoang, cốt để đại chúng biết, nhưng quý Phật tử nên hiểu, con người càng hiểu nhiều càng nói ít. Chuyên tâm tu hành chính là khiêm tốn, bởi có khiêm tốn chí thành mới là dũng mãnh tinh tấn.Người biết cất trữ trí tuệ, không để lộ ra, không khoe khoang, lấn át người khác mà ngược lại đem một lòng thành tâm chỉ bảo, hướng dẫn để mọi người tất thảy đều tu học mới thực sự là bậc đại giác, mới là điều nên làm:
Năm Quang Tự thứ nhất đời Thanh (năm 1875), Tả Tông Đường thống lĩnh binh mã đi chinh phạt miền Tây, trên đường đi qua Lan Châu. Một lần ông cải trang vi hành đi tuần, thấy có một ông lão bày bàn cờ, trên tấm biển có hàng chữ đập vào mắt: “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ”.
Đối với Tả Tông Đường, người say mê cờ lại có kỳ nghệ cao siêu mà nói, ông thấy ông lão này quả là cuồng vọng. Thế là Tả Tông Đường lập tức bước tới khiêu chiến. Kết quả ông lão chẳng chịu nổi một đòn, thua liểng xiểng hết ván này đến ván khác.
Tả Tông Đường nghĩ: chẳng qua là cái danh hão mà thôi. Tả Tông Đường vui vẻ đắc thắng, lệnh ông lão đập vỡ tấm biển kia đi, rồi thu cờ cuốn chiếu về nhà, chớ có ló mặt ra trước đám đông nữa.
Thời gian như tên bay. Khi Tả Tông Đường chinh phạt miền Tây bình an trở về, trên đường qua Lan Châu, lại thấy ông lão vẫn như trước, tấm biển “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ” vẫn cứ treo ở đó. Tả Tông Đường nghĩ, ông lão này thật không biết xấu hổ, sao lại dám bày cờ ở đây nữa. Thế là Tả Tông Đường quyết tâm dạy cho ông lão không biết tự lượng sức mình kia một bài học.
Nhưng thật bất ngờ, Tả Tông Đường lần này bị đánh cho tan tác, ba ván bại cả ba, không có chút sức lực chống đỡ nào. Tả Tông Đường không phục, yêu cầu hôm sau đánh tiếp, nhưng thất bại lại càng thê thảm hơn. Tả Tông Đường bất lực, kinh ngạc hỏi ông lão: “Tại sao trong thời gian ngắn như thế này, kỳ nghệ của ông lại tiến bộ nhanh như thế?”.
Ông lão mỉm cười trả lời: “Đại nhân lần trước tuy cải trang vi hành, nhưng tôi đã biết đại nhân là Tả Công, hơn nữa lại sắp xuất quân chinh phạt, do đó có ý nhường đại nhân thắng, để đại nhân tăng thêm tín tâm đi lập đại công. Hôm nay đại nhân đã tấu khúc khải hoàn, tôi mới không e dè gì nữa, cũng không quá ư khiêm nhường nữa”.
Người đời muôn vẻ, có người như lão kỳ thủ vô địch, có người lại như Tả tướng quân, cũng có nhiều người khoa môi múa mép, nói lời cuồng vọng thị phi. Tất cả cũng chỉ xuất phát từ tâm kiêu mạn mà ra. Vì đời sống con người, ai cũng mong mình giỏi giang, là trụ cột, là tượng đài để người đời nhìn vào hay nhắc tới.
Tuy nhiên cũng có nhiều người chẳng hám hư danh, như Phật thường hay nói, cõi Ta Bà này chỉ là cõi tạm, vinh hoa phú quý, công danh lợi lạc, chức vụ địa vị, khi con người ta thác rồi thì còn mang được chỉ là phần hồn và công đức đã tu.
Vậy có thể xem, việc một bậc đại trí thể hiện phẩm khiêm tốn là đã tu được 2 phần công đức chăng:
- Phần thứ nhất: Không ngã mạn, kiêu căng. Xem như là tu tâm tu dạ, không để tâm đến sự đời, một lòng chuyên chính tu hành cốt sao có được thành tựu, làm lợi lạc bản thân. Mọi sự thiệt hơn đều không màng đến, công danh, nổi tiếng xem nhẹ cả 10 phần.
- Phần thứ hai: Công đức có được qua việc trợ giúp, đồng hành giúp người khác ngộ đạo, với người đã tu đạo thì cùng phát triển thêm. Là công đức vì lợi lạc quần sinh, vì mọi người đặng cùng thành Phật.
Hai phần công đức này, sau khi thác sẽ được quỷ thần kính ngưỡng, trợ giúp, chẳng phải rất hoan hỉ sao. So với một cuộc đời chỉ cốt sao cho được lợi lộc, cuối cùng lại vẫn lâm vào tranh đấu, trầm luân sau nhiều kiếp nữa.
“Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn. kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”
Duy Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét