Trong tâm con người suy nghĩ gì, thiên địa đều biết hết? Trong tâm luôn giữ thiện niệm liệu có tác dụng không? Thiện niện có thể khởi tác dụng lớn như thế nào? Cổ nhân đã để lại biết bao bài học sâu sắc, để lại cho chúng ta những tấm gương sáng, năng lượng mạnh mẽ lưu truyền bất diệt.
“Trán đen” làm thế nào đảo ngược kiếp sinh tử?
Đây là những gì đã xảy ra ở Kim Lăng, vào triều đại nhà Thanh. Hàng chục người cùng nhau ngồi thuyền qua sông, khi thuyền đến giữa lòng sông thì bất ngờ có cơn gió mạnh thổi qua, gió giật căng từng hồi. Đúng vào lúc khẩn cấp, đột nhiên nghe thấy từ không trung truyền ra tiếng nói: “Kẻ trán đen!”.
Trên thuyền lúc này đúng là có một người “trán đen”. Người đàn ông nghĩ trong lòng: “Vì những linh hồn vô hình trên bầu trời đã chỉ tên mình, làm sao mình có thể làm liên lụy đến mọi người?”. Vì vậy, anh tự mình nhảy xuống lòng sông. Đúng lúc này, con thuyền bị gió mạnh thổi lật.
Sau khi “trán đen” nhảy xuống nước, một khúc gỗ dạt về phía anh và anh nắm chặt lấy khúc gỗ rồi trôi vào bờ, cuối cùng anh đã cứu được mạng sống của mình.
Khi biết tin anh thoát chết, mọi người đều ngạc nhiên và khó hiểu, họ đều hỏi anh liệu thường ngày có tích đức không.
Trán đen nói: “Tôi chưa làm việc thiện nào trong đời, nhưng tôi chỉ thường nhắc nhở bản thân rằng sinh mệnh của con người bị hủy hoại bởi từ 'tham lam'; nên chỉ cần trong lòng tôi có suy nghĩ 'tham lam', tôi sử dụng cách ‘đặt mình vào vị trí người khác’ để áp chế nó. Tôi không nhận được những gì không nên nhận, hay giành cái lợi quá mức”.
Trong cuộc sống hàng ngày, người trán đen này hàng ngày đều luyện tập cách “đặt mình vào vị trí người khác”, khi gặp chuyện thì đặt bản thân vào vị trí người khác để suy nghĩ, đó chẳng phải là đang tu hành sao? Anh ta có thể biết nghĩ có người khác, không tham sống sợ chết. Khi ở trên sông, anh chấp nhận số phận của mình, và vì lợi ích của người khác, đã vứt bỏ mạng sống của mình. Loại tâm tư thản nhiên đối mặt với sinh tử này đã không còn là cảnh giới của người phàm nữa, kết quả giúp anh giữ được mạng sống.
Tăng nhân tinh tấn làm thế nào hoá giải oan oán đời trước?
Có một tăng nhân tu hành trong chùa Quan Thánh, tự giữ mình tinh khiết, rất tinh tấn.
Thời đó, trong khu vực trộm cướp hoành hành khắp mọi nơi. Một đêm nọ, vị tăng nhân nằm mơ thấy Thần nói với ông ta rằng: “Ngày mai là ngày mất của ngươi. Có một tên trộm cưỡi bạch mã tên là Chu Nhị, là oan gia của ngươi trong quá khứ. Nghiệp báo này là không thể tránh khỏi”.
Trong giấc mơ, vị tăng nhân khẩn cầu: “Vì đời này con nỗ lực tu thiện, cầu mong Thần linh thương xót và giúp đỡ”.
Thần đáp: “Ta không cứu được ngươi, chỉ có ngươi mới cứu được chính mình”.
Rạng sáng ngày hôm sau, quả nhiên có kẻ trộm vào núi, bắt vị tăng nhân, tra hỏi ông của cải và phụ nữ ở đâu, rồi uy hiếp nhà sư phải dẫn chúng đi tìm.
Tăng nhân nhìn thấy người kia đúng là cưỡi con ngựa trắng, chợt nghĩ: “Mình chịu nghiệp báo phải chết, nếu như lại dắt lũ trộm đi cướp tài sản, cưỡng hiếp phụ nữ thì nghiệp càng chồng thêm nghiệp!”. Nghĩ đến đây, tăng nhân lớn tiếng nói với tên trộm: “Ta sẽ không đưa ngươi tới đó, ngươi chẳng phải là Chu Nhị sao? Ta nên bị ngươi giết, ngươi có thể giết ta”.
Tên trộm giật mình nói: “Sao ngươi có thể biết tên ta? Nhất định là Thần tăng!”.
Tăng nhân kể cho anh ta nghe ngọn nguồn giấc mơ của mình. Tên trộm vứt bỏ cây gậy gỗ, thở dài nói: “Oan oán tương báo tới lúc nào? Thần nói không cứu ông, nhưng thực ra Thần đã cứu ông, ông không chỉ đường cho ta đi cướp, chính là tự cứu mình. Chúng ta hãy giải hết những oan oán đời trước, có gì là không thể?”
Nói xong, tên trộm đi vào đền thờ bái lậy tượng Thần rồi rời đi. Đúng lúc này, mối ân oán đời trước đã được hoá giải giữa đất trời.
100 con chim sẻ thông linh để lại dấu ấn cảm ân trên cơ thể con người?
Vợ của ông Phạm trong quân đội Trấn Giang đang cận kề cái chết vì bệnh ho lao. Thầy thuốc nói với ông Phạm: “Hãy dùng 100 con chim sẻ, mài thành bột và chế làm viên thuốc. Sau khi uống trong 36 ngày và uống óc chim vào ngày thứ 37, bệnh sẽ khỏi hẳn. Hãy nhớ rằng, một con chim sẽ cũng không thể thiếu”.
Ông Phạm làm theo chỉ dẫn của thầy thuốc và bắt đầu bắt chim sẻ. Khi vợ ông biết chuyện, cô đã rất tức giận và nói với ông: “Vì một mạng sống của tôi mà đi tàn sát động vật, hại 100 mạng, tôi thà chết chứ không làm cái điều như vậy”.
Ông Phạm liền mở lồng thả hết chim sẻ. Không lâu sau, vợ của ông Phạm bình phục một cách tự nhiên, hơn nữa cô còn mang thai và sinh ra một bé trai. Khi đứa trẻ sinh ra, trên hai cánh tay có những đốm đen trông giống như hình con chim sẻ.
Điều tốt đẹp xảy ra sau khi không bỏ rơi người vợ lẽ bị bệnh
Ngô Thứ Lộ là một người dân bình thường, ông đã ngoài năm mươi tuổi, và có một người con trai tên là Quốc Ngạn, đã lập gia đình. Quốc Ngạn cảm thấy thân thể gầy yếu e rằng con cháu đời sau cũng yếu nên muốn cha sinh thêm con trai cho gia tộc. Anh nhờ mẹ truyền đạt nguyện vọng tới cha.
Khi Ngô Thứ Lỗ biết chuyện, ông nói: “Đối với nhà nghèo như chúng ta, có con là đủ rồi, cần gì phải có nhiều hơn?”.
Người vợ của ông và Quốc Ngạn vẫn bàn bạc riêng và họ đã bán quần áo, trang sức đi, sau đó mua một người vợ lẽ. Ai ngờ rằng người thiếp này thực ra là một người phụ nữ ốm yếu và suy nhược.
Thầy thuốc nói bệnh của cô không chữa khỏi được nhưng nếu cố hết sức bán cô đi thì vẫn có thể bán được ít tiền.
Mẹ con nhà họ Ngô bảo người mai mối rằng họ muốn bán lại người vợ lẽ này cho người khác. Hai bên thương lượng xong xuôi, lúc này Ngô Thứ Lỗ mới biết chuyện, ông liền nói: “Ta không muốn mua thê thiếp. Ta chẳng biết gì về việc sai trái này. Ta làm sao có thể đi hại người khác? Người thiếp này ở nhà chúng ta thì sẽ vẫn còn hy vọng sống; một khi ra khỏi nhà của chúng ta thì không còn cơ hội sống nữa, hơn nữa nếu bán cô ấy cũng chẳng được mười đồng vàng, làm sao có thể nhẫn tâm bỏ rơi cô ấy?”
Ngô Thứ Lỗ đã nói cho người mua biết sự thật về người vợ lẽ và trả lại tiền cho anh ta. Không ngờ người thiếp từ đó bệnh tình ngày một tốt lên, nàng có thai, một năm sau thì sinh hạ một bé trai cho nhà họ Ngô.
Những câu chuyện có thật trên đây, tất cả đều toát lên vẻ đẹp rực rỡ chung, chính là sức mạnh xuất ra từ một suy nghĩ thiện lương.
Minh An
Theo Epoch Times
Nhận xét
Đăng nhận xét