Chuyển đến nội dung chính

Người thành thục lấy lòng bao dung thấu hiểu người khác

 Vạn sự vạn vật đều tỏa ra từ nội tâm con người. Người nhìn sự vật như thế nào thì đều cho thấy nội tâm của người đó như thế ấy. Người có nội tâm thành thục lấy lòng bao dung mà thấu hiểu người khác, nên nhìn ai cũng thuận mắt, cũng quý trọng, cũng xót thương. Đây vừa là một loại trí tuệ, cũng vừa là một loại tu hành.

Vạn sự vạn vật trong thế gian đều có lập trường của bản thân mình. Có những sự tình khi đứng ở lập trường của bản thân mà nhìn thì thấy thực sự không hợp lý, không thuận mắt. Nhưng đối với người khác thì đó lại là hợp lý, thậm chí là điều vô cùng hạnh phúc. Ở lập trường, hoàn cảnh khác nhau, cùng một sự việc, người bình thường sẽ chỉ nhìn thấy cảm nhận của bản thân mình, còn người thành thục có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cảm nhận, từ đó mà hiểu được cảm nhận của người khác.

Trang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: “Bầy cá nhỏ bơi lội tung tăng nhởn nhơ, đó là niềm vui của cá.”

Huệ Tử vặn lại: “Ông không phải là cá, sao lại biết cá đang vui?”

Trang Tử lại nói: “Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết được niềm vui của cá?”

Có rất nhiều khi trong cuộc sống, nhìn người khác không thuận mắt chưa hẳn là bởi vì người khác có chỗ không đúng mà chỉ là chúng ta chưa hiểu họ mà thôi. Người chưa thành thục thường cho mình là trung tâm, cho rằng hết thảy những gì mình nghĩ đều là đúng nhất, cho rằng những ý kiến không hợp với mình đều là sai lầm, là thấp kém. Người thành thục không như vậy, họ tôn trọng ý kiến bất đồng của người khác, cũng không tùy tiện bình luận sự việc khi chưa tìm hiểu kỹ càng.

Trong cuộc sống, khi nhìn người khác không thuận mắt thì đừng vội vã phán đoán, đánh giá mà nên đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ, dụng tâm hiểu đối phương thêm một chút, tiếp nhận hơn một chút, bạn sẽ thấy thế giới như được mở rộng ra, cảnh giới mà bạn đạt được cũng rộng lớn hơn rất nhiều.

Thời Khổng Tử dẫn học trò đi chu du các nước, có một dạo thầy trò hết lương thực, bị đói bảy ngày liền. Học trò Nhan Hồi của Khổng Tử ra ngoài kiếm được một chút gạo mang về nấu cơm. Khi cơm vừa chín tới, Khổng Tử bất chợt nhìn thấy Nhan Hồi nhấc cái vung lên rồi cào một chút cơm đưa vào miệng.

Khổng Tử lặng lẽ làm bộ như chưa nhìn thấy gì, cũng không chất vấn Nhan Hồi. Đến lúc cơm chín, Nhan Hồi mang cơm canh dâng lên mời Khổng Tử ăn, Khổng Tử nói: “Thầy trò ta trong cơn khó nạn vẫn có cơm ăn, chúng ta nên dùng bát cơm sạch để cúng tế trước.”

Nhan Hồi lập tức chối từ nói: “Thưa thầy không được! Nồi cơm này con vừa mới ăn một miếng rồi, không thể dùng để làm cơm cúng được!”

Khổng Tử nhìn Nhan Hồi rồi hỏi: “Vì sao lại làm như vậy?” Nhan Hồi nói: “Bởi vì khi con nấu cơm, có một chút tro bụi trên xà bếp rơi vào nồi. Con thấy rằng nếu hớt miếng cơm dính tro đó vứt đi thì quả thật rất đáng tiếc vì thế con đã ăn miếng cơm đó.”

Để hiểu rõ một người, một sự vật, sự việc không phải chuyện dễ dàng. Hàng ngày, người Khổng Tử tin tưởng nhất chính là Nhan Hồi. Nhưng nhìn thấy Nhan Hồi ăn miếng cơm, ông còn có chút hoài nghi. Điều đó cho thấy nội tâm của một người rất khó có thể ổn định. Do đó, trước khi tìm hiểu sự việc, không nên tùy tiện dùng cái nhìn của mình để đo lường người khác.

Có đôi khi, cho dù là tận mắt nhìn thấy một sự tình nào đó nhưng chưa hẳn đã chính xác như chúng ta nghĩ. Phàm là việc gì đều phải suy xét, phân tích từ nhiều góc độ, mang tâm lý thận trọng, không để bản thân tạo thành hiểu lầm.

Cũng có rất nhiều lúc, một người nhìn người khác không thuận mắt, luôn tìm mọi điểm của người ta để châm chọc, bới móc, là bởi vì cảnh giới của người đó chưa đủ.

Xưa kia, Tô Đông Pha, một học giả nổi tiếng của Trung Hoa, thường lên chùa kết bạn cùng nhà sư Phật Ấn. Một lần sau khi ngồi thiền, Tô Đông Pha mở mắt ra và hỏi nhà sư: “Ngài thấy bộ dạng ngồi thiền của tôi ra sao?”

Nhà sư Phật Ấn nhìn khắp thân của Tô Đông Pha, sau đó gật đầu khen ngợi: “Ngài ngồi thiền trông giống như một vị Phật cao quý và trang nghiêm!” Tô Đông Pha nghe xong vô cùng mãn nguyện và rất hài lòng.

Ngay sau đó, nhà sư Phật Ấn cũng hỏi lại: “Vậy ngài nhìn thấy ta ngồi ra sao?”

Vì cố tình muốn trêu cười nhà sư, Tô Đông Pha bèn trả lời: “Tôi nhìn ngài ngồi quả giống như một đống phân bò!”.

Nhà sư Phật Ấn nghe xong chỉ mỉm cười mà không phản bác lại điều gì. Tô Đông Pha tự cảm thấy mình đã thắng được nhà sư một phen nên lấy làm vui mừng lắm.

Vừa về đến nhà, Tô Đông Pha phấn khích kể lại với em gái của ông là Tô tiểu muội. Không ngờ, Tô tiểu muội nghe xong đã chẳng những không khen ngợi mà còn phá lên cười nhạo sự ngốc nghếch của ông.

Tô Đông Pha hiếu kỳ, khó hiểu hỏi: “Muội vì sao lại cười ta?”

Tô tiểu muội nói: “Nhà sư Phật Ấn vì trong tâm có Phật, cho nên nhìn huynh ngồi có hình dáng giống như một vị Phật. Còn trong tâm của huynh có đầy phân bò nên huynh mới nói nhà sư như vậy!”

Chúng ta khi nhìn người khác không thấy thuận mắt thì tốt nhất đừng nghĩ cách thay đổi người khác trước, mà nên điều chỉnh tâm tính của bản thân mình trước, lấy việc tu sửa bản thân làm gốc rễ của mọi chuyện. Như vậy mới có thể phát triển lòng bao dung và sự thiện lương của một người có nội tâm thành thục.

Theo ttvn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ý nghĩa “Nhất mệnh – Nhì Vận – Tam Phong Thuỷ – Tứ Âm Phúc – Ngũ Tri thức”

  Theo quan niệm của những sách cổ học thuật số Phương Đông xưa có câu: “Nhất mệnh, nhì vận, tam Phong Thuỷ, tứ âm phúc, ngũ tri thức”. Câu này ý nghĩa như thế nào? Nghĩa là số mệnh là yếu tố quyết định toàn cục cuộc đời của một con người, tiếp đến là ảnh hưởng của thời vận, thứ ba là ảnh hưởng của phong thủy. Nói cách khác, số mệnh và sinh ra gặp thời là yếu tố tiền định thuộc tiên thiên; phong thủy là hậu thiên, được quyết định bởi hành vi của đương số và sự điều chỉnh môi trường sinh sống. Ngay từ lúc con người sinh ra đã được trời ban cho một “Số mệnh”, từ trong “mệnh” đó sẽ diễn sinh ra “vận” để chi phối cuộc sống sau này. Mệnh là sinh ra đã có sẵn, không thuộc phạm vi khống chế của bản thân, ví dụ như xuất thân, tướng mạo, cá tính, số lượng anh chị em,…, đó chính là “số mệnh” tiên thiên không thể thay đổi được, nên người xưa bình thản tiếp nhận và chấp nhận sống chung với nó. Căn cứ vào lý luận của Tử Vi Đẩu số, Tử Bình, Bát Tự Hà Lạc,… cuộc đời thực tế của con người là được ...

Cứ để mọi chuyện thuận theo tự nhiên

  Có những thứ ở trên đời nếu thuộc về bạn, thì cuối cùng sẽ là của bạn; ngược lại, thứ không phải của bạn, thì dù có cố tranh giành nó cũng sẽ tự rời xa… Trong tình yêu cũng thế, bạn phải hiểu, thứ bạn yêu không phải đoạn thời gian kia, không phải người ấy khiến bạn nhớ mãi không quên, cũng không phải yêu cái khoảng thời gian đã từng trải qua, bạn yêu chỉ là cái phần non trẻ nhưng vẫn chấp mê bất ngộ của chính mình. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc. Mặc kệ mọi người trên thế giới nói gì, ta đều nhận thức việc làm của bản thân mình mới là đúng đắn Cuộc sống của chúng ta, không phải vì lấy sự ưa thích của người khác mà tồn tại, chúng ta là tự do tự tại, không cần phải đòi hỏi ai yêu thích mình, có thể vui vẻ mà lưng đeo đại địa, mặt hướng trời xanh. Chỉ cần bạn hiểu được điều này, gông xiềng đã bị phá bỏ, bạn có thể tự do mà hít thở. Nếu như đứng trước người mà bạn yêu mến, điều bạn cần làm là bày tỏ lòng mình; nếu bạn kết hôn với một người,...

Ai rồi cũng sẽ đổi thay, chỉ là nhanh đến mức choáng váng, hoặc là chậm đến mức không nhận ra

  Nếu một ngày nào đó, người mà bạn cho là rất rất quan trọng, chỉ nhìn bạn với ánh mắt vô hồn và im lặng kể cả khi bạn có rất nhiều điều muốn nói. Nếu như trong khoảnh khắc chông chênh đó, bạn cũng chọn lấy cách im lặng. Vậy thì dấu hiệu đầu tiên của sự đổi thay đã xuất hiện. Khi mới bắt đầu, ai cũng đều kinh ngạc cho những điều không dễ dàng thay đổi. Đến khi trưởng thành, có chăng cũng chỉ là quen với việc giấu đi cảm xúc, giấu nhẹm đi những hụt hẫng khi niềm tin lại rơi mất. Và rồi sẽ có một ngày nào đó, ngày của hôm qua gần tựa như cơn mơ, nhạt nhòa. Rồi ai cũng sẽ thay đổi. Cuộc sống đó là một vòng luân chuyển. Ánh sáng bóng tối thay phiên nhau. 4 mùa xuân hạ thu đông cũng lần lượt sẽ thay đổi cho nhau. Vốn dĩ không có cái gì sẽ đứng yên tại một chỗ. Và ngay bản thân ta lớn lên cũng phải chấp nhận rằng trái đất cũng di chuyển vậy thì làm gì có khái niệm mãi mãi. Thứ có thể mãi mãi tồn tại đó chính là kỷ niệm, bởi nó là một phần ký ức của ta chẳng thể xóa nhòa. Một đôi giày, l...