Đôi khi không thể hoàn toàn tin vào những gì nghe và thấy mà phải cảm nhận và suy nghĩ về mọi thứ bằng trái tim. Bóng tối không nhìn thấy đẹp xấu nhưng thiện ác thì có thể.
Trên chuyến tàu từ New York đến Boston, tôi phát hiện ra rằng ông già bên cạnh tôi là người mù. Cố vấn cho luận án tiến sĩ của tôi là người mù, vì vậy tôi không gặp khó khăn gì khi nói chuyện với người mù, tôi lấy cho ông một ly cà phê nóng.
Đó là thời kỳ bạo loạn chủng tộc ở Los Angeles, cuộc trò chuyện của chúng tôi vì vậy mà cũng nói tới vấn đề định kiến chủng tộc. Từ nhỏ ông đã cho rằng người da đen kém ông một bậc. Người giúp việc nhà ông là người da đen. Ông ở phương Nam chưa bao giờ ngồi ăn chung với người da đen; cũng chưa bao giờ đi học chung với người da đen.
Ảnh minh họa.
Khi ông đi học ở miền Bắc, có lần ông được bạn cùng lớp giao nhiệm vụ tổ chức một buổi dã ngoại. Trên giấy mời ông đã ghi thật rõ ràng: “Chúng ta có quyền từ chối bất kỳ ai”. Ở miền Nam thì câu này có nghĩa là: “Chúng tôi không hoan nghênh người da đen”.
Ông nói, có lúc trả tiền ở cửa hàng thì đụng phải một nhân viên phục vụ là người da đen. Lúc đó ông đều đặt tiền ở trên quầy và để người da đen tự cầm lấy chứ ông nhất định không để người da đen chạm vào tay mình.
Tôi cười ông: "Vậy thì tất nhiên ông sẽ không lấy một người da đen!" Ông cười lớn nói: “Tôi còn không qua lại với họ, vậy thì làm sao mà kết hôn với người da đen được? Nói thật lúc ấy tôi nghĩ, bất kể người da trắng nào mà kết hôn với người da đen thì đều sẽ làm cho cha mẹ cảm thấy nhục nhã”.
Tuy nhiên, khi đang học cao học ở Boston, ông không may bị tai nạn giao thông. Mặc dù sống sót, ông bị mù hoàn toàn và không thể nhìn thấy gì. Ông vào một ngôi nhà tái thiết dành cho người mù, nơi ông học cách sử dụng chữ nổi Braille; cũng như cách sử dụng gậy chống để dò đường... Từ từ rồi ông cũng có thể sinh hoạt một cách độc lập.
Ông nói: “Nhưng điều khiến tôi lo lắng nhất là tôi không biết đối phương có phải là người da đen hay không. Tôi đã nói vấn đề này với cố vấn tâm lý của tôi, ông ấy đã cố hết sức giảng giải cho tôi. Tôi rất tin cậy ông ấy, cái gì cũng kể cho ông ấy. Tôi xem ông ấy như một người thầy và cũng là một người bạn tốt của mình. Một ngày nọ, người cố vấn đã nói với tôi, ông ấy chính là một người da đen”.
Kể từ đó, định kiến của ông hoàn toàn biến mất, ông không thể phân biệt được người da trắng và người da đen.
“Đối với tôi mà nói, tôi chỉ quan tâm là người đó tốt hay xấu. Còn như màu da thì với tôi không còn ý nghĩa gì nữa” – Ông lão nói.
Ảnh minh họa.
Khi chiếc xe đến gần Boston, ông nói: “Tôi đã mất thị giác và cũng mất luôn thành kiến của mình, việc này thật là hạnh phúc!”.
Trên sân ga, vợ của ông lão đang đứng chờ, hai người ôm nhau thắm thiết.
Tôi bất ngờ khi phát hiện ra vợ ông là một người da đen tóc bạch kim. Lúc này tôi mới nhận ra, thì ra bản thân mình cũng có định kiến, âu cũng là do mắt tôi nhìn thấy rõ.
Những điều bạn nghe thấy, nhìn thấy không quá quan trọng; những gì bạn dùng trái tim cảm nhận thấy mới thực sự là đáng quan tâm.
Những thứ giá trị nhất không phải là những gì mắt thường nhìn thấy được, mà phải cảm nhận bằng trái tim mình. Đôi khi, bạn không thể hoàn toàn tin vào những gì bạn nghe và thấy, bạn phải cảm nhận và suy nghĩ về mọi thứ bằng trái tim của bạn.
Trời sinh ra cho chúng ta cặp mắt để nhìn mọi thứ, để chiêm ngưỡng vẻ sinh động đẹp đẽ của thế giới này. Nhưng cũng từ cặp mắt này mà sinh ra bao tâm xấu xa. Thấy đẹp đẽ thì mê đắm, thấy xấu xí thì khinh miệt, thấy hơn mình thì tật đố, thấy kém mình thì tự cao…
Chỉ đến khi cánh cửa tâm hồn này khép lại, chúng ta mới nhận ra điều gì là quan trọng. Không phải là những thứ bề ngoài hào nhoáng, không phải là sự ân cần giả tạo; mà đó là sự chân thành, thiện lương đến từ sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người. Chỉ sự lương thiện mới làm trái tim chúng ta rung động; chỉ lương thiện mới có thể phá tan lớp băng định kiến, bỏ đi thù hằn và gắn kết mọi người lại với nhau.
Trong bóng tối thì đẹp hay xấu cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Lúc này người ta chỉ có thể cảm nhận được thiện và ác mà thôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét