8 loại tâm thái xử lý đại sự của bậc cao nhân
Bậc cao nhân gặp chuyện đại sự, xử lý tâm tình trước, xử lý sự tình sau, trước phân tích tâm thái, sau mới phân tích thế thái. Người có tu dưỡng dẫu gặp phải bất kỳ chuyện gì, dù là việc lớn kinh thiên động địa hay việc tiểu tiết nhỏ nhặt, cũng đều có thể bảo trì tâm cảnh, không coi thường chểnh mảng, thấy biến mà không sợ hãi, trong mềm mỏng có chính nghĩa và cương trực. Đây chính là tâm thái của bậc cao nhân.
🔻 1. Im lặng
Trong cuộc sống không tránh khỏi có lúc bị người khác hiểu lầm, khi ấy có người sẽ giải thích, thậm chí tranh cãi để được sáng tỏ. Nhưng có những lúc, việc tranh cãi là không thể giải quyết được sự tình, đặc biệt là với những người có cảnh giới khác biệt. Cho nên đôi khi im lặng là lựa chọn tốt nhất. Nhưng im lặng cũng là một loại công phu, tu dưỡng được sự trầm tĩnh đó không phải là điều dễ dàng.
🔻 2. Tĩnh tâm
Khi gặp chuyện đại sự, thậm chí khi bị rơi vào tuyệt cảnh, hiếm người có thể giữ được sự bình tĩnh. Bình tâm tĩnh khí đối diện với sự tình mới có thể nhìn thấy hướng đi. “Tĩnh tâm sinh trí tuệ”, người gặp nguy mà không loạn sẽ có nhiều cơ hội hóa giải khó khăn. Người ta khi đã hoảng loạn rồi thì không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm hỏng việc.
🔻 3. Nhúng nhường
Khi có ý kiến bất đồng với người khác, thậm chí tạo thành xung đột trong lời nói, rất nhiều người sẽ không thể chịu đựng được mà tạo thành thù oán trong tâm. Nhưng đời người cần học cách khiêm tốn, nhún nhường. Cổ nhân giảng: “Lùi một bước, biển rộng trời cao”. Bảo trì một tâm thái khiêm tốn rất nhiều khi là cách giải quyết được sự tình mà không bị tổn hao gì.
🔻 4. Nhu thắng cương
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết rằng cứng cỏi thì chết, mềm mại mới sống, cứng cỏi thì kém, mềm mại mới hơn. Trong thiên hạ không gì mềm yếu hơn nước, thế mà nước lại công phá được tất cả những gì cứng rắn. Chẳng gì hơn nó, chẳng gì thay thế được nó. Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ ai cũng biết thế, mà chẳng ai làm được. Bởi vậy bậc trí giả không lấy sự cường ngạnh để xử lý vấn đề, mà luôn luôn biết cương nhu thích hợp.
🔻 5. Giữ tâm thái lạc quan
Đời người không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Ai cũng sẽ luôn phải đối mặt với những khó khăn, thất bại và phiền não xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Khi đối mặt với những điều không như ý, nếu có thể giữ được tinh thần lạc quan, tự tin và rộng mở, thì có thể chuyển bình thường thành giàu có, khó khăn thành thoải mái, và thậm chí có thể chuyển sự đau khổ trở thành những trải nghiệm tu dưỡng cho bản thân. Đây chính là đạo lý “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”.
🔻 6. Không hối hận
Đời người có rất nhiều quyết định và lựa chọn, mỗi sự lựa chọn sẽ mang đến những kết quả khác nhau. Nhưng khi nhìn lại, tất cả đều sẽ là những bài học. Có bài học là chính diện, có bài học là phản diện. Kẻ trí không ôm giữ lòng hối tiếc, cũng không ôm giữ tâm oán hận, biết lấy quá khứ làm gương soi mình để tiếp tục tu dưỡng bản thân.
🔻 7. Bảo trì tâm đơn giản
Con người ta thường bởi vì suy nghĩ quá nhiều mà khiến cuộc sống trở nên phức tạp. Nhưng người xưa giảng rằng: “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá đôi mét rộng, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa cơm”. Đạt đến một cảnh giới tinh thần cao thượng rồi, người ta sẽ ngộ ra rằng: đơn giản chính là một loại hạnh phúc vô cùng dễ dàng có được nếu con người ta sống không quá chấp nhất truy cầu.
🔻 8. Lý trí
Mỗi người đều có cả hai nhân tố thiện và ác. Để kiềm chế phần ác và phát triển phần thiện, người ta phải dựa vào lý trí. Lý trí là phân biệt rõ thiện ác, đúng sai và có năng lực khống chế hành vi của bản thân. Trên thực tế, người lương thiện nhất chính là người có lý trí.
Bởi vậy bậc cao nhân không vì dục vọng mà tranh đấu ngược xuôi, sống cuộc đời khổ nhọc, tính kế hại người, ăn không ngon ngủ không yên. Họ không vì cách nhìn của người khác mà dễ dàng thay đổi bản tính của mình. Họ làm việc có thủy có chung, xem trọng trách nhiệm của mình, vô tư không vụ lợi. Họ không để yêu ghét che mờ thiện ác, không khiến lợi ích phủ khuất lương tri, họ coi trọng những giá trị phổ quát. Đây chính là tâm thái và đức hạnh của bậc cao nhân.
Nhận xét
Đăng nhận xét