Trên con đường nhân sinh, ai ai cũng đều không biết trước mình sẽ gặp phải khó khăn trắc trở hay thất bại gì. Cũng có những việc khi đã đi gần hết chông gai rồi, lại bởi vì một chút khó khăn cuối cùng mà sụp đổ, từ bỏ. Thực sự là vô cùng đáng tiếc! Khi gặp những trắc trở trên đường đời, hãy suy ngẫm bốn điều dưới đây, nội tâm chúng ta nhất định sẽ thông suốt hơn, phúc vận tự nhiên sẽ đến.
Mọi việc chớ nên cưỡng cầu
Con người thế gian cả đời đa phần đều theo đuổi danh và lợi. Vì để có được danh và lợi, có người còn không từ một thủ đoạn tồi tệ hay phương pháp bất chính nào. Nhưng cổ nhân thường nói: “Mệnh lý hữu chung tu hữu, mệnh lý vô mạc cưỡng cầu”, nếu trong mệnh được an bài là có thì cuối cùng sẽ có, còn trong mệnh không có thì cho dù có cưỡng cầu như thế nào đi nữa cũng không chiếm được. Những điều nên đến, những người nên gặp, đến lúc thích hợp sẽ tự nhiên đến. Chúng ta chỉ cần dụng tâm làm tốt những việc cần làm, hoàn thành tốt bổn phận, chức trách của bản thân là được rồi.
Trong “Đạo Đức Kinh” viết: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh”, thiện cao nhất như nước, nước có thể làm lợi vạn vật mà không tranh giành. Nước là biểu hiện rất cao của sự thiện lương nơi thế gian, nuôi sống vạn vật, lại nguyện ý ở chỗ thấp. Nếu một người có thể làm được như thế thì phúc lộc không cưỡng cầu cũng tự đến. Đó cũng chính là đạo lý: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, Đạo Trời là công bằng, không thiên vị bất kỳ ai, nhưng người lương thiện phù hợp với đạo Trời nên như là được Trời giúp.
Minh bạch điều bản thân theo đuổi
Sách “Thái Căn Đàm” viết: Thế sự như ván cờ tranh đấu thắng thua, thay đổi thất thường, con người một khi đã tham gia vào thì thường sẽ bị mê hoặc ở trong đó. Chỉ có người không chơi, đặt bản thân ở bên ngoài mới có thể rõ ràng minh bạch.
Con người sống trên đời cũng giống như sinh sống trong một cái bình, bị phong bế ở trong truy danh trục lợi, cả đời bận bịu, chỉ khi phá tan được cái bình ấy người ta mới có thể hiểu được chân lý đời người, đạt tới cảnh giới siêu phàm. Chỉ khi tất cả những giấc mơ tan vỡ, người ta mới nhận ra rằng hết thảy chỉ là hư không.
Gia Cát Lượng từng viết trong “Giới tử thư” rằng: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi trữ tĩnh vô dĩ trí viễn”. Không theo đuổi danh lợi, sống cuộc sống đơn giản mộc mạc thì mới hiển lộ ra chí hướng của bản thân, không theo đuổi sự náo nhiệt, trong tâm an bình thanh tĩnh thì mới có thể đạt được mục tiêu rộng lớn.
Trong cuộc đời, ai ai cũng đều phải trải qua rất nhiều sự tình, sẽ có được danh lợi tài phú, sẽ có được tình yêu, tình thân, nhưng đừng để tâm chấp nhất, dính mắc vào nó. Đời người bất quá chỉ mấy chục năm, vội vàng mà trôi qua, cho dù chúng ta có bất kể thứ gì thì cuối cùng cũng hóa thành cát bụi. Chỉ khi chúng ta minh bạch được bản thân mình thực sự nên theo đuổi điều gì thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Đó chính là phúc vận lớn của đời người.
Học buông bỏ, thuận theo tự nhiên
Sách “Thái Căn Đàm” viết: Tranh giành danh lợi với người khác, thậm chí bằng mọi giá để đạt được danh lợi. Nhưng con người lại chưa từng nghĩ trong quá trình tranh giành ấy có quá nhiều thứ mất đi. Mặc dù có sống lâu trăm tuổi nhưng mỗi ngày đều là sống vội vội vàng vàng, long đong lật đật, chưa từng suy nghĩ đến ý nghĩa của sinh mệnh mình. Sống như vậy cũng giống như người không sống thọ mà thôi.
Khi chúng ta hiểu được sự tình và sự vật mà bản thân nôn nóng theo đuổi trong cả đời. Hơn nữa sau khi suy nghĩ được ý nghĩa của việc con người vì sao mà sống trên thế gian này thì chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, danh và lợi mà chúng ta khổ tâm truy cầu cuối cùng chỉ là hư ảo, khi sinh không mang theo đến, khi chết không mang theo đi. Hãy học cách kịp thời buông bỏ, sống thuận theo tự nhiên để nội tâm an tường, phúc khí tự tới.
Học cách tĩnh tâm, hưởng thụ cuộc sống
Trong tác phẩm “Tiểu song u ký” có viết: Niềm vui sướng lớn nhất của cả đời người không gì lớn hơn là đọc được một cuốn sách tốt, kết giao được với người lương thiện, sống chất phác, không màng danh lợi. Phúc vận tốt nhất của cả đười người không gì lớn hơn là được ngồi trong vườn bình hòa tĩnh lặng mà thưởng trà, dâng hương, an hưởng phúc.
Trang Tử cũng từng viết trong “Đạt sinh” rằng: Người thực sự hiểu được ý nghĩa của đời người sẽ không lãng phí thời gian quý giá của cuộc đời này, sẽ không đi theo đuổi những thứ không có giá trị đối với sinh mệnh. Con người dành cả đời để truy cầu những điều không có giá trị đối với sinh mệnh chi bằng tĩnh hạ tâm xuống, hưởng thụ cuộc sống, như thế cũng là phúc vận tự nhiên đến.
Nhận xét
Đăng nhận xét