Lão Tử: Đời người cần kịp trở về với “không”
Trong mắt Lão Tử, số không là sự kết thúc, vạn vật cuối cùng đều quy về không; nhưng số không cũng là khởi đầu cho những điều mới mẻ, giống như một trang giấy trắng, có thể viết nên những hình ảnh tươi đẹp nhất. “Trở về không” cũng là một trạng thái như vậy, tạm thời có thể nói thành “Vô”, nhưng lại không hoàn toàn là “Vô”, bởi lẽ nó bao hàm vô số khả năng “hữu” ở trong đó.
Lão Tử giảng: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”, lại có câu rằng: “Hữu vô tương sinh”. Trong “Không” (Vô) có thể sinh ra “Có” (Hữu), “Có” lại chẳng thể tránh được sẽ trở về “Không”. Đạo sinh vạn vật, vạn vật cuối cùng lại quay trở về với Đạo. Cho nên Đạo chính là “Không”.
Đời người nên kịp thời trở về với “Không”. Bởi lẽ mọi thành bại trong đời cũng tương tự như quá khứ từ một phút trước, quá khứ có thể dẫn tới hôm nay, nhưng không thể thay thế cho ngày mai. Kịp thời “trở về không” là ý thức luôn tích cực hướng về tương lai, mỗi ngày thức giấc đều có thể coi như một cuộc đời mới. Điều ấy có thể khiến cho thứ xấu không ảnh hưởng đến tương lai, khiến những điều tốt đẹp không bị mê hoặc trong hiện tại.
Lão Tử giảng: “Vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi, vô vi nhi vô bất vi”, nghĩa là: “Theo đạo thì dục vọng mỗi ngày một giảm, giảm rồi lại giảm nữa, cho tới mức vô vi, không làm; không làm mà không thứ gì là không làm.”
Trí huệ của tư tưởng “Trở về không” kỳ thực chính là buông bỏ, giảm thiểu dục vọng, ảo tưởng, cố chấp và sự kiêu ngạo trong nội tâm, cuối cùng giảm tới trạng thái tự nhiên vô dục vô cầu. Như vậy cũng là đang tiến gần về với Đạo.
“Kiến tố bão phác, thiểu tư quả dục”, thấy nguyên sơ, giữ mộc mạc, giảm suy nghĩ, bớt dục vọng. “Tố” là một loại tơ trắng chưa hề bị nhuộm, “Phác” là một loại gỗ chưa qua gia công, được ví với cảnh giới tư tưởng chất phác, bản sắc tự nhiên, lối sống giản đơn của con người.
Thế sự có thể nhiễu loạn, nhưng lòng người nên trở về không, tựa như trời xanh mây trắng, giản đơn, thuần khiết. “Tâm như giếng cạn, sóng chẳng thể sinh”, khi tâm giản đơn, thế giới cũng sẽ trở nên đơn giản. Chỉ khi tâm trở về không, con người mới có thể luôn mỉm cười đối mặt với kiếp nhân sinh.
Con người chẳng thể có được mọi thứ trên đời, đôi khi từ bỏ cũng là một sự lựa chọn. Đời người như một quá trình không ngừng buông bỏ, không ngừng đắc được. Ly trống không mới có thể chứa nước, tay nắm chặt thì chẳng thể giữ được thứ gì, chỉ cần xoè bàn tay ra bạn sẽ có cả thế giới.
Nếm trải hết thảy trăm vị trên thế gian, mới thấy được rằng thanh đạm vẫn là dư vị ngon nhất. Nhìn thấu đời người phồn hoa, tâm mới bình thản, chân thật nhất.
Lão Tử lại giảng: “Đạo giả, phản chi động dã, nhược giả đạo chi dụng, Thiên địa vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô”, nghĩa là quy luật vận hành của Đạo là trở lại cái gốc ban đầu, diệu dụng của đạo là khiêm nhu, vạn vật trong thiên hạ từ “có” mà sinh ra, “có” lại từ “không” mà thành.
Vạn sự vạn vật bắt đầu từ đâu thì cũng sẽ kết thúc ở đó, kết thúc ở đâu cũng sẽ bắt đầu ở đó. Vạn sự vạn vật đều hướng lên theo vòng xoáy ốc, không ngừng quay trở về, không ngừng canh tân. Mỗi lần đột phá đều bắt nguồn từ việc trở về số không lúc ban đầu, tựa như mùa đông ẩn tàng sinh cơ của vạn vật, ấp ủ hoa thơm chim hót, cây xanh, cỏ biếc cho mùa xuân. Vậy nên trong thế giới phồn hoa nhiễu loạn này trái tim thuở ban sơ là chân thực nhất, đáng quý nhất.
Khiến tâm hồn trở về không chính là không quên cái tâm ban đầu, vĩnh viễn không từ bỏ, nhìn thấu bản thân, từ bỏ cái ác. Trở về không thì không vướng bận bởi thế tục, không bị mê hoặc bởi danh lợi, hư vinh.
Khi chúng ta có thể trở về không, chúng ta sẽ phát hiện ra đích đến không phải là nơi xa, mà là xuất bản điểm ban đầu của chính mình. Đó chính là ngôi nhà thật sự, là nơi sinh mệnh bản nguyên nhất của chúng ta được tạo thành.
Nhận xét
Đăng nhận xét