Lỗi lầm trên đời ai mà chẳng có, quan trọng là phải nắm rõ nền tảng của việc sửa lỗi để hoàn thiện bản thân mình
Cổ nhân dạy rằng: “Lỗi lầm trên đời ai mà chẳng có, quan trọng là phải nắm rõ nền tảng của việc sửa lỗi để hoàn thiện bản thân mình”
Theo như kinh nghiệm đúc rút được từ các bậc tiền bối xưa thì nền tảng đó bao gồm ba mắt xích mà chúng ta cần nắm rõ. Đó chính là: Lòng xấu hổ, Lòng uý kính và Lòng dũng mãnh.
🔻 1. Lòng xấu hổ
Ngày nay, muốn được phúc mà tránh xa các tai hoạ, chưa vội bàn tới việc làm lành, trước hãy nên cần sửa lỗi đã. Người muốn sửa lỗi, điều thứ nhất cần phải biết tri sỉ, biết tự hổ thẹn. Nên biết rằng các Bậc Thánh Hiền xưa cũng là người như ta mà sao có thể nêu gương sáng hàng trăm đời, ta sao phải chịu thân tàn hủ bại. Đó là tự mình đắm say ngũ dục lục trần, nhiễm phải nhiều thói xấu. Làm nhiều điều bất nghĩa mà cho là người đời không hay. Không biết nên cao ngạo, ngang nhiên chẳng chút hổ thẹn. Càng ngày càng sa đoạ vào vòng cầm thú mà chẳng tự biết.
Ở đời chẳng có điều gì lớn hơn là biết tự sỉ, tự biết hổ thẹn. Thầy Mạnh Tử nói: “Lòng biết hổ thẹn ở nơi con người là một điều lớn lao vậy, có được tâm sỉ ắt thành Thánh hiền, không có tâm sỉ ắt chỉ là cầm thú, súc sanh mà thôi”. Đó là chỗ căn bản quan hệ của việc sửa lỗi.
🔻 2. Lòng uý kính
Điều thứ hai là cần phải phát lòng uý kính, e dè sợ sệt. Thiên địa quỷ thần khó mà có thể khi dễ, lỗi của chúng ta tuy ẩn nhẹm, kín đáo, người đời không biết mà thiên địa quỷ thần đều có thể soi xét thấu rõ. Nặng ắt sẽ giáng trăm điều tai ương, nhẹ ắt sẽ giảm phúc được hưởng. Chúng ta há chẳng đáng nên sợ hay sao!
Không những chỉ có vậy, ở những nơi thanh nhàn, vắng vẻ, chỉ riêng có độc một thân một mình cũng đều là bị quỷ thần giám sát, che đậy thật khéo mà thần minh cũng đã sớm thấu rõ đến tận gan phổi của mình. Vậy nên khó mà có thể tự lừa dối lấy mình mãi mãi được. Một khi bị người đời phát hiện sự dối trá che đậy dấu nhẹm của mình thì lúc đó thân phận mình chẳng đáng giá lấy một đồng xu. Vậy há không nên e dè uý kính hay sao!
Không những chỉ như vậy, khi hãy còn một hơi thở, các tội ác đều có thể sám hối, cải sửa. Người xưa một đời làm ác, lúc gần lìa đất xa trời, phát một niệm thiện, thành tâm hối lỗi, bèn được an lành từ giã cõi đời. Nên nói là chỉ một niệm dũng mạnh thật chí thành đủ để tẩy sạch được trăm năm tội ác. Cũng tỉ như một hang cóc tối tăm hàng ngàn năm bỗng có một ngọn đèn chiếu rọi tới thì ngàn năm tăm tối đó đều bị tiêu trừ. Cho nên không cần biết là tội đã phạm từ lâu nay, hay mới phạm gần đây, chỉ có phát tâm cải sửa mới là điều quý.
Bất quá cõi trần là vô thường không nhất định, thân huyết nhục dễ bị huỷ hoại, nếu cứ cho là lầm lỗi có thể sửa được mà chẳng chịu sửa ngay, một khi hơi thở thở ra không hít vào nữa thì lúc đó muốn sửa cũng đã muộn. Ở dương thế mang lấy tội danh từ trăm năm, ngàn năm trước, tuy có con hiếu cháu hiền cũng không vì mình mà rửa sạch được. Ở cõi âm thì bị quả báo sa địa ngục hàng trăm ngàn kiếp, dù cho có Thánh hiền, có Phật, Bồ Tát cũng không cứu giúp, dẫn độ được. Vậy há chẳng e dè sợ sệt hay sao!
🔻 3. Lòng dũng mãnh
Thứ ba, phải phát tâm dũng mãnh. Nhiều người không chịu sửa lỗi, đa số là vì phóng túng, biết lỗi đấy mà bỏ đấy nên bị thoái hậu, thụt đầu lùi lại không đường tiến. Chúng ta cần phải phấn khởi, dũng mãnh dụng công cải sửa ngay lấy mình không chờ đợi, không trù trừ hoài nghi nữa.
Lỗi nhỏ ví như cái gai đâm vào thịt phải mau chóng rút bỏ ra. Lỗi lớn tựa như rắn độc cắn vào ngón tay, cần phải quyết tâm chặt bỏ ngay không chút ngần ngừ, do dự. Người mà nhất quyết sửa lỗi lầm để tự canh tân thật rất hữu ích cũng như gặp được quẻ Phong Lôi (là một quẻ mang đặc tính ích lợi: ví gió thổi và sấm nổ hỗ trợ lẫn nhau mà tạo ích lợi) trong Kinh dịch, một quẻ đại cát vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét