Đời người có 10 chữ dưỡng, bạn đã học được mấy chữ?
Đời người có 10 chữ dưỡng ấy là tu tâm dưỡng tính, có thể trở thành một con người chân chính xứng đáng ở vị trí anh linh vạn vật, không cô phụ ân trạch của đất trời.
🔻 Nhẫn năng dưỡng phúc: Người biết nhẫn giống như đóa mai trong sương tuyết, chịu thiệt thòi một chút, chịu thống khổ một chút, để về sau làm nên cả mùa xuân.
🔻 Trung năng dưỡng lộc: Người biết trung tựa như thân trúc ngay thẳng kiên trinh, làm gì cũng vẹn toàn trước sau, có thể đứng vững trước chông gai mà nảy lộc cho đời.
🔻 Động năng dưỡng thân: Người biết động tựa như nước trên con sông kia có thể luân chuyển không ngừng để làm sạch chính mình, nước sông mà không động sẽ chẳng khác nào vùng nước chết, không gì có thể sinh sôi. Muốn cây ra quả ắt phải vun trồng, không ai trên đời có thể vô công mà nhận bổng lộc. Trong động có tĩnh, trong tĩnh có động, ấy là quy luật tuần hoàn của vũ trụ để bảo toàn vạn vật. Biết được khi nào cần tĩnh khi nào cần động, ấy là đạo tu thân vậy.
🔻 Lạc năng dưỡng thọ: Vui có thể cười nhưng buồn đau bi thương vẫn mỉm cười ấy mới là đạo của trường thọ, vui hay buồn âu cũng chỉ là khoảnh khắc, chớ nên vì cái ngắn ngủi mà quên mất việc dài lâu. Nói đơn giản một chút thì một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, chẳng tốn tiền mà muôn phần lợi, vậy thì tiếc chi mà không nhoẻn miệng cười cho trăm hoa thêm sắc.
🔻 Học năng dưỡng thức: Cái quan trọng của học chính là luôn biết tiến lên, có tâm cầu thị, không tự giới hạn bản thân trong hiểu biết hẹp hòi. Người càng học trí óc càng rộng mở thì cái tâm càng khoáng đạt, có thể thấu được nhân sinh thì sẽ biết cái gì là quan trọng, cái gì nên buông bỏ. Người không học dễ trở thành vô minh, không thể phân biệt đúng sai, chuyện trái đạo lý luân thường cũng làm, ấy chính là tự hại bản thân mình. Học có nhiều thứ để học, nhưng trong đó học đạo làm người là quan trọng và căn bản nhất, biết rèn dũa đạo đức thì dẫu không thành tài cũng có thể thành nhân.
🔻 Tĩnh năng dưỡng tâm: Con người dẫu đường đời khác nhau nhưng khi đã trải qua nhiều thì đến một lúc nào đó cũng chỉ mong được an ổn. Cái an ổn ấy không phải hướng ngoại mà cầu, bởi bình an thật sự đến từ trong tâm. Tâm có thể tĩnh, không tranh không đấu, thì sẽ được tự do tự tại. Tâm có thể bình, trước hỗn loạn mà vẫn thấu đáo mọi việc để biết xử sao cho hợp tình hợp lý, ấy là đã thật sự trưởng thành. Tĩnh cũng có cảnh giới, có thể tĩnh được bao nhiêu thì tâm có thể an yên bấy nhiêu.
🔻 Cần năng dưỡng tài: Con người không phải thần tiên có thể giơ tay một cái là muốn gì được nấy. Làm người nông dân muốn ruộng xanh tốt tươi thì phải cày sâu cuốc bẫm, làm một thợ thuyền muốn tay nghề tinh thông ắt phải khổ nhọc rèn dũa. Kỳ tài trước nay trong thiên hạ đều không phải một sớm một chiều mà thành tựu. Nói cách khác, trong quá trình rèn dũa cực nhọc ấy, đắng cay khổ sở đều nếm qua thì mới biết trân quý cái ngọt của thành công. Dễ được dễ mất, ắt sẽ không biết quý trọng.
🔻 Ái năng dưỡng gia: Thành gia lập thất chính là tạo dựng cái gốc của xã hội, muốn gia đình hưng thịnh thì yêu thương là căn bản. Trong ái có tâm, yêu thương chính là dụng tâm mà nghĩ cho người khác, có thể vì lợi ích lâu dài của người khác mà hy sinh lợi ích của bản thân, dẫu có như thế thì nhất định vẫn cảm thấy vui vẻ, thoải mái.
🔻 Thành năng dưỡng hữu: Muốn tìm người có thể cùng chung chí hướng, trở thành bằng hữu nâng đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn, cùng chia ngọt sẻ bùi thì ắt phải đối đãi nhau bằng sự chân thành. Loài chim nhạn trên trời dẫu cái chết chia cắt cũng không thể rời nhau. Làm người sống trên đời không thể dùng sự chân thành, thành tín mà đối đãi, thì cỏ cây chim chóc cũng rẻ khinh, sao có thể kết giao được bạn bè tốt đây.
🔻 Thiện năng dưỡng đức: Ông bà vẫn dạy, tích đức hành thiện, người thiện lương ắt sẽ không bao giờ chịu thiệt thòi, bởi nhân quả là có mắt, đời người có vay ắt có trả. Có thể hành thiện tích đức ấy chính là biết quý trọng con đường nhân sinh của mình vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét