Đời người như bốn mùa, tâm an người ắt vui
Trời có những ngày mưa gió, người có phúc có họa, nhưng trong đời người ngoài sinh tử ra thì không có bao nhiêu chuyện lớn cả, nếu như có thể tĩnh tâm, giữ thái độ xử thế hòa nhã, thản nhiên thì đương nhiên sẽ có thể gìn giữ được nội tâm an lành bình yên trước khó khăn trong cuộc sống…
Đêm hè gió thổi nhè nhẹ, ngoài cửa sổ ánh trăng lúc ẩn lúc hiện, tôi ngồi một mình trước cửa sổ. Pha một bình trà Alishan của Đài Loan, hương thơm thoảng qua mũi. Chậm rãi uống một hớp, cảm thấy vui vẻ thoải mái. Bởi vậy, tôi luôn tin rằng trà không chỉ để giải khát, mà nước trà còn có tác dụng an thần tịnh tâm. Trong đời người có rất nhiều điều không như ý, phần nhiều là vì những khó khăn bên ngoài. Nếu như có thể tập trung, xem nhẹ danh lợi thì dù cho sống ở nơi thâm sơn cùng cốc cũng có thể vui vẻ như thường. Lúc này đây tôi mới hiểu rằng có quan tâm đến nội tâm của bản thân thì mới có thể nhìn được rõ đời người.
Một năm trước, tuy rằng cuộc sống bấp bênh, nhưng tôi lại được trải nghiệm mùa thu ở Nhật Bản, tuyết lạnh lẽo ở Bắc Mỹ, cảnh xuân ở Đài Loan và gió nồng ở Nam Dương. Đời người như bốn mùa vậy, có khổ, cũng có vui. Hạnh phúc đời người là sự yên ổn, sinh mạng yên ổn là do yên lặng. Tâm tĩnh, vạn vật ắt sẽ nhẹ nhàng; tâm an, thì có thể sống vui vẻ.
Tĩnh tâm xử thế, tĩnh sinh bách tuệ
“Ninh tĩnh chí viễn“, đây chính là tư tưởng mà các thánh hiền của cả Nho giáo và Đạo giáo tôn sùng. Trong cuốn “Đạo đức kinh“, Lão Tử có nói: “Tĩnh là nguồn gốc của động“. Tĩnh có thể khắc phục khí loạn trên cơ thể người. “Đại học“, tác phẩm kinh điển của Nho gia lại nói: “Tĩnh nhi hậu năng an, an nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc”, nghĩa là lòng tĩnh thì mới có thể an nhàn, an nhàn thì mới tinh tường, khi đã tinh tường thì mới có thể đắc được. Vì thế, tĩnh là gốc rễ của sự yên ổn, sự suy nghĩ và sự đắc.
Tĩnh tâm không chỉ là một kiểu tư duy, mà là cái nền xuất phát tư duy. Nho gia, Thích gia và Đạo gia trong văn hóa truyền thống Trung Quốc đều cho rằng tĩnh sẽ tạo ra trí tuệ. Đạo gia có câu: “Linh đài thanh tĩnh, tĩnh năng sinh định, định năng sinh trí tuệ“, nghĩa là tâm hồn thanh tĩnh thì sẽ ổn định, một khi ổn định thì sẽ có được trí tuệ. Phật gia lại nói: “Tĩnh năng sinh tuệ, tuệ năng sinh trí“, tĩnh tâm thì sẽ thông suốt, đã thông suốt thì mới có được trí tuệ. Trong quyển “Chiếu đức tân biên” của Nho gia cũng viết: “Mặt nước tĩnh lặng thì nhìn rõ được hình dáng, tâm tĩnh thì sẽ sinh ra trí tuệ.“
Tổng đốc Lưỡng Giang thời Mãn Thanh, Tăng Quốc Phiên, khi còn trẻ làm việc khó tránh khỏi bực bội trong lòng. Thầy của ông là nhà lí học Đường Giám đã tặng cho ông một chữ “Tĩnh“. Từ khi đó, mỗi ngày Tăng Quốc Phiên đều dành thời gian ngồi tĩnh tâm, ngẫm ra được rất nhiều cách xử thế, hiểu được các phương pháp quản lý hành chính, từ đó mà thu được nhiều lợi ích. Về sau, mỗi khi gặp phải vấn đề hệ trọng, ông sẽ không dễ dàng ra quyết định mà luôn tĩnh tâm suy nghĩ cân nhắc nhiều lần rồi mới đưa ra chủ ý. Để cho bầu không khí thêm tĩnh lặng, ông còn có thói quen đốt hương. Người trong nhà thấy vậy thì dù có việc gì cũng sẽ không đến làm phiền ông.
Một người tâm không tĩnh thì rất khó suy nghĩ cặn kẽ một vấn đề gì đó, xã hội hiện đại là một thời đại rối ren, con người sống và làm việc cũng đều rất kiêu căng, xốc nổi. Chỉ có người nào tĩnh tâm thì mới có thể cẩn thận quan sát thời thế, suy xét một cách sâu sắc để có được cách giải quyết vấn đề hoặc hiểu được con người một cách chính xác.
Chỉ có người nào lòng yên tĩnh như nước mới có thể nhận ra được hạnh phúc và cái đẹp trong cuộc sống. Những ai nóng nảy, hay làm việc lỗ mãng sẽ dễ dàng vuột mất rất nhiều những khoảng thời gian tươi đẹp. Trời có những ngày mưa gió, người có phúc có họa, nhưng trong đời người ngoài sinh tử ra thì không có bao nhiêu chuyện lớn cả, nếu như có thể tĩnh tâm, giữ thái độ xử thế hòa nhã, thản nhiên thì đương nhiên sẽ có thể gìn giữ được nội tâm bình yên trước khó khăn trong đời. Khó khăn vặt vãnh sẽ không thể làm phiền lòng họ.
Tùy duyên mà bước đi, biết hài lòng với những gì có được
Tùy duyên mà bước đi chính là thuận theo tự nhiên. Trong đời người không chỉ có thiện duyên mà khó tránh khỏi cũng sẽ có nghiệt duyên. Dù cho là thiện duyên hay nghiệt duyên thì đều là cơ hội để ta học hỏi. Trong cuộc sống không chỉ có niềm vui mà chắc hẳn cũng sẽ có khốn khó. Nếu luôn giữ cho lòng hướng thiện thì dù bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu cũng đều là nơi người ta tu tâm dưỡng tính. Tùy duyên hoàn toàn không phải là phó mặc cho số mệnh, mà là biết từ bỏ trước những việc không thể thay đổi được. Sống tùy duyên, biết hài lòng với những gì đang có, giống như con sông không ngừng chảy trôi, bất kể con đường có bao nhiêu khúc rẽ thì vẫn một lòng hướng ra biển rộng. Hãy biết quý trọng những ai có duyên gặp gỡ, còn những ai không có duyên mà rời xa mình thì cứ bình thản buông tay.
Đời người như bốn mùa, những người ngoài 50 đã hiểu rõ cuộc đời, bước vào độ tuổi thu vàng. Ở độ tuổi này, quả thật không còn cần phải che dấu bản thân mình nữa, cũng chẳng phải tiếp tục xu nịnh bất cứ ai, chỉ cần sống chân thật với chính mình. Dù sao bạn có khiêm tốn thế nào, thì luôn sẽ có người nói bạn tốt, cũng có người nói bạn không tốt. Nhưng chỉ cần trong lòng không có gì khuất tất thì chẳng cần sự đánh giá của họ. Không cần phải để ý đến cách nhìn của người khác, càng hà tất phải lấy lòng ai cả, cứ như vậy sẽ khiến bản thân sống rất mệt mỏi.
Tâm an, chính là trạng thái đẹp nhất trong đời người. Nếu có người nói xấu về bạn, cứ xem như một cơn gió thổi qua mà thôi, không đáng phiền não vì nó. Bởi vì những lời nói đó không thể thay đổi được sự thật mà chỉ có thể làm lòng bạn rối loạn. Tâm không phiền thì sự thật rồi sẽ được phơi bày. Tôi thường khuyên bạn bè vài câu rằng: Sau tuổi 50, hãy ở cùng người mà mình thấy thoải mái; thay vì lấy lòng người khác, chi bằng hãy cứ bình thản nhìn về phía trước. Tu tâm ấy chính là phải luyện tập một tâm hồn thản nhiên tự tại. Đời người không cần giàu có, thuận theo tự nhiên là được; không cần đuổi theo hạnh phúc, tâm an tự nhiên sẽ vui vẻ. Bạn bè cũng không cần có quá nhiều, chỉ cần một hai người tri kỷ là đủ.
Nhận xét
Đăng nhận xét