Đối nhân xử thế phải giữ chữ “Nhân” và chữ “Tín”
Xưa nay có những người luôn toan tính mưu kế, không ngại vứt bỏ nhân từ, tình nghĩa để đạt được chức vị, công danh sự nghiệp. Nhưng không ít người giỏi mưu kế cuối cùng lại bị mưu kế hại. Rất nhiều câu chuyện lịch sử cho thấy người vứt bỏ cả tình nghĩa để đạt được mục tiêu thì chỉ có thể kiếm được chút lợi nhất thời, còn nhân từ, thành tín mới là nền tảng của sự thành công lâu dài.
Sách “Hoài Nam Tử” viết:
Kiến công lập nghiệp, cố gắng đạt được công danh là mục tiêu mà mỗi người làm thần tử đều theo đuổi. Phạm tội bị phạt, làm những điều có tội là hậu quả mà mỗi một người làm thần tử đều gắng sức tránh. Tuy nhiên, có những khi sẽ xuất hiện hiện tượng: Có công trạng lại khiến người khác nghi ngờ, trái lại có tội lại được người khác tín nhiệm. Nguyên nhân do đâu? Có người theo đuổi công danh mà coi thường tình nghĩa, vứt bỏ ân nghĩa. Người như vậy cho dù lập được công lớn thì cũng đã đánh mất đi thành tín và tín nhiệm. Còn một số người, làm điều gì đó tội lỗi chỉ vì không dám đánh mất đi tâm nhân từ, người như vậy trái lại lại được trọng dụng.
Trong thiên “Nhân gian” của “Hoài Nam Tử” có ghi chép lại hai câu chuyện lịch sử, vừa thể hiện cách nhìn người dùng người của cổ nhân, cũng thể hiện ra cách đối nhân xử thế khác nhau dẫn đến kết quả đạt được khác nhau.
Thời Chiến Quốc, Nhạc Dương là tướng nước Ngụy. Năm 408 TCN, Ngụy Văn hầu cử Nhạc Dương dẫn quân lính tấn công vào nước Trung Sơn. Con trai của Nhạc Dương là Nhạc Thư bị người dân Trung Sơn bắt giam ở trong thành. Người Trung Sơn trói con trai trên tường thành cho Nhạc Dương xem. Nhạc Dương sau khi nhìn thấy đã nói: “Vì tình nghĩa quân thần, nguyện trung thành với quân vương. Chức trách của ta là bề tôi, ta không thể vì con trai mà có tư tình”. Vì thế, dưới sự chỉ huy của Nhạc Dương, quân đội đã tấn công vào thành ngày càng dữ dội.
Người trong thành Trung Sơn đã giết chết Nhạc Thư rồi phái sứ giả mang món canh thịt con trai đến cho Nhạc Dương để làm lung lạc tinh thần ông ta. Tuy nhiên Nhạc Dương lại thản nhiên ăn bát canh được làm từ thịt con. Sứ giả trở về báo cáo. Vì thế, nước Trung Sơn buộc lòng phải đầu hàng trước nước Ngụy.
Trong cuộc chiến lần này, Nhạc Dương đã mở rộng lãnh địa cho Ngụy Văn Hầu, lập được công lao rất lớn. Nhưng việc làm bất nhân của Nhạc Dương lại khiến mọi người chán ghét.
Khi Ngụy Văn Hầu bàn về Nhạc Dương đã nói với Đổ Sư Tán: “Nhạc Dương vì ta mà ăn thịt con mình!”
Đổ Sư Tán đáp: “Ông ta ngay cả thịt con trai mình còn ăn thì điều gì mà ông ta không dám làm!”
Ngụy Văn Hầu nghe vậy, cho rằng Nhạc Dương là người tàn nhẫn, không tình phụ tử cốt nhục nên sau khi Nhạc Dương đem quân khải hoàn trở về, Ngụy Văn Hầu đã ban thưởng hậu hĩnh, nhưng lại sai thái tử Ngụy Kích ra trấn thủ Trung Sơn. Cũng kể từ đó Ngụy Văn Hầu không còn tín nhiệm và trọng dụng Nhạc Dương nữa.
Còn một chuyện khác, thời Xuân Thu, Đại phu Mạnh Tôn đi săn thú, bắt được một con nai con, yêu cầu thuộc hạ của mình là Tần Tây Ba mang về nhà để làm thịt. Con nai mẹ chạy theo Tần Tây Ba kêu khóc không ngừng. Tần Tây Ba thấy vậy không nỡ làm thịt con nai nhỏ nên đã thả nó về với nai mẹ.
Khi Mạnh Tôn trở về nhà không thấy nai con liền hỏi, Tần Tây Ba không còn cách nào khác đành phải thú thực. Mạnh Tôn sau khi nghe điều này đã vô cùng tức giận và đuổi Tần Tây Ba đi.
Một năm sau, Mạnh Tôn lại cho mời Tần Tây Ba về để làm thầy dạy học cho con của mình. Mọi người thấy khó hiểu, Mạnh Tôn trả lời rằng: “Ông ta ngay cả một con nai nhỏ cũng không nhẫn tâm làm hại, huống chi là đối với con người?”
Cho nên cổ ngữ có câu: “Gian xảo dối trá không bằng thành thật mộc mạc”. Nhạc Dương bởi vì muốn lập công mà vứt bỏ tình nghĩa, cuối cùng bị người người hoài nghi, không tin tưởng. Tần Tây Ba bởi vì không nhẫn tâm dẫn đến phạm tội mà cuối cùng lại được người khác tín nhiệm. Cho nên, đối nhân xử thế nhất định phải chú ý chữ “Nhân” và chữ “Tín”, giúp người làm việc tốt, lấy chân thành làm gốc, làm được như vậy mới nhận được hồi báo tốt đẹp.
Nhận xét
Đăng nhận xét