Chuyển đến nội dung chính

TÔI VIẾT CHO MỘT THẾ HỆ KHÔNG BIẾT CÚI ĐẦU

 TÔI VIẾT CHO MỘT THẾ HỆ KHÔNG BIẾT CÚI ĐẦU

“Bác Hồ sinh năm bao nhiêu?” – “1945 ạ! À không...không... 1969 ạ!”


Vâng, đó là thế hệ chúng tôi, một thế hệ mà người ta gọi là “Thế hệ chỉ biết cúi đầu”, chúng tôi chỉ biết cúi đầu vào chiếc smartphone của mình, đến nổi “Quang Trung là bạn chiến đấu với Nguyễn Huệ, tệ hơn là Bác Hồ sinh năm 1945 và thậm chí đến ngao ngán khi giờ đây những đứa trẻ tin vào câu truyện ngôn tình sử, những kẻ xét lại lịch sử hơn là tin vào những thứ đã được cả thế hệ cùng thời trên thế giới công nhận”… quả thật ngao ngán, nhưng thôi, tôi cũng chẳng bàn đến nguyên nhân của những sự việc này, có người đổ tại ngành giáo dục, không, tôi không cho là vậy, bởi lẽ, bản thân tôi và triệu triệu thế hệ 8X khác đã, đang và sẽ trưởng thành trong môi trường giáo dục này, và thực tế là tôi đang ngồi đây, viết lách cho các bạn đọc về lịch sử chiến tranh, thì tôi không có lý do gì để đổ tội cho ngành giáo dục cả.

Hôm nay tôi viết để tưởng nhớ một thế hệ sẵn sàng chết vì tương lai đất nước, một thế hệ vàng của dân tộc Việt Nam.

MỘT THẾ HỆ ĐÃ TRỞ THÀNH HUYỀN THOẠI

Tướng Marcel Bigeard – Cựu bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Pháp viết:

“Tôi đã thấy họ khởi đầu từ những khẩu súng bất kỳ như súng săn và sau đó, tháng này qua tháng khác, họ được tổ chức thành những nhóm nhỏ, rồi từ các nhóm nhỏ thành trung đội, từ các trung đội lên đại đội, từ đại đội lên tiểu đoàn và lữ đoàn và cuối cùng là thành các Sư đoàn đủ quân. Tôi đã thấy tất cả những điều này và tôi có thể nói với các vị rằng họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới. Những người lính dẻo dai này có thể đi bộ 50 km trong đêm tối bằng sức của một bát cơm, trên những đôi dép cao su và hát vang trên đường ra trận. Theo quan điểm của tôi, họ đã trở thành những người lính bộ binh ngoại hạng và họ đã đánh bại được chúng ta”

Trung tá Thủy quân Lục chiến – James G. Zumwalt – con trai Đô đốc chỉ huy trưởng lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam đã từng viết trong cuốn “Chân trần chí thép” rằng:

"Cuốn sách này dành tặng:… – Gần một triệu chiến binh Bắc Việt và Việt Cộng, những người đã chiến đấu vì một nước Việt Nam thống nhất, đã trải qua bao gian khó, khổ đau, bi kịch và hy sinh trong hành trình đến chiến thắng cuối cùng.

– Khoảng hai triệu công dân Việt Nam, những người tham chiến hoặc là nạn nhân của cuộc chiến tại Việt Nam, đã chấp nhận trả giá với niềm hy vọng một ngày mai các thế hệ con cháu có thể sống tự do, sau những đau khổ của cha ông…"

Trong quyển sách đó ông James đã viết thêm: "Một số ý kiến của chính quyền Mỹ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị, thì người Mỹ đã chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây tôi đã nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi.

Không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ những người sống và chiến đấu dọc Đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi. Hiểu được quyết tâm duy trì Đường mòn cũng như bám trụ tại địa đạo Củ Chi chính là hiểu được “chí thép” của họ.

Đó chính là ý chí thép đặc trưng và rất đặc biệt của người Việt Nam, vốn đã thôi thúc họ tiến lên để giành chiến thắng trong cuộc chiến trước người Mỹ – cuộc chiến mà nước Mỹ thiếu một quyết tâm tương xứng.

Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với “thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này – một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc, sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác.

Tại sao người Việt Nam có thể chiến đấu không biết mệt mỏi trong gần 100 năm, trong điều kiện khó khăn như thế, trong tương quan lực lượng như vậy, tại sao họ đã luôn chiến đấu và luôn vững tin rằng rồi một ngày họ sẽ thắng. Và quả thực họ đã thắng, họ đã đợi trong suốt 9 năm ròng để có được 1 Điện Biên Phủ, và sau đó họ lại tiếp tục lên đường, chiến đấu tiếp 21 năm sau đó để thống nhất non sông.

Tròn 30 năm, 30 năm là cả 1/3 đời người, không thể tin được rằng, có những con người có ý chí sắt đá và bền bỉ đến vậy. 30 năm đâu có hề gì, sau đó họ lại lao vào cuộc chiến để bảo vệ thành quả của 1/3 thế kỷ chiến đấu trước đó, họ đánh nhau với Khmer Đỏ, họ đánh bại và nghiền nát chúng sau đó họ chống lại quân đội Trung Quốc, nhiều người trong số họ đã ngã xuống yên nghỉ sau nhiều năm dài chinh chiến nhưng những người còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu và chiến thắng. Thế kỷ 20 của người Việt Nam là 1 thế kỷ đầy đau thương và hào hùng, lớp người của thế kỷ trước là lớp người của huyền thoại".

Và…

LỚP NGƯỜI HUYỀN THOẠI ĐÓ, bây giờ họ nhận lại được gì?

Trong một bài viết tôi cách đây khá lâu quá đoạn thế này:

Phố tôi có bác bán bánh mỳ bị điên. Hay nói một mình. Thỉnh thoảng lấy tay đấm vào đầu liên tục. Lúc khỏe, bác sẽ bán bánh mỳ, hiền lành, cười với hàm răng chiếc còn chiếc mất. Một bên mắt bị hỏng, hoặc có nhìn được hay không tôi không biết. Nó đục ngầu. Có lẽ chính vì vậy mà bác hay trả nhầm tiền. 15 nghìn cái bánh mỳ, có khi bác trả lại cả 20 nghìn. Có người cứ thế cầm mà đi.

Lũ trẻ con cũng hay trêu bác, vì bác vừa đi vừa nói nhảm, lại hay đấm tay vào đầu. Chúng nó trêu, hò hét cái câu gì đó mất dạy, sau đó hò nhau chạy. Lần nào bác cũng dậm dậm chân dọa rồi lại thôi.

Bởi vì…

Bác có mảnh đạn còn găm trong đầu. Biên giới năm 1979. Nó không bao giờ được lấy ra?

Câu chuyện chỉ được kể khi tôi ngồi đợi vợ bác tráng trứng cho vào bánh mỳ. Vợ bác nói: “Trở trời thế này là đầu đau lắm, nhà phải có người trông, không là đập phá đồ đạc. Đi lang thang, người ta đánh cho thì khổ.”

Câu chuyện cắt đứt mạch ở đó. Mảnh đạn không lấy ra giống như câu chuyện không bao giờ được kể cho trọn vẹn. Và rồi nó sẽ bị lãng quên.

Bác đã mất được 2 năm! Mảnh đạn vẫn nằm ở đó, nhưng giờ bác có lẽ đã “ngon giấc” không còn phải chiến đấu với “nó”.

Tôi ngồi nhậu. Quán vỉa hè. Người lính đi chiếc xe đạp cũ. Lặng lẽ đứng nép một góc, cây sáo trúc thổi khúc nhạc quê. Tiếng sáo bị át bởi những chiếc loa công suất lớn, bài nhạc trẻ thịnh hành, những xô bồ cười nói, chúc nhau cốc bia, chén rượu.

Vài cái bật lửa, cây bút, cái cắt móng tay trong chiếc rổ để trên yên sau xe. Không cạnh tranh nổi với kẹo cao su chào mời tận bàn, sau bài hát đầy ngẫu hứng của ca sĩ đường phố. Người lính già không chào mời ai.

Tôi đứng dậy xin mua chiếc bật lửa. 5 nghìn. Tôi đưa 20 nghìn. Chú móc bịch nilon được cuộn chặt ở túi áo trước đếm tiền trả. Áo lính xanh đã bợt hết màu, mũ cối – chỉ sứt lỗ chỗ.

Tôi nói: “Con biếu chú.” Chú chắp tay cảm ơn. Hỏi “Cậu có thích bài nào không?”

Tôi lắc đầu.

“Chú trước đi bộ đội ở đâu chú?”

“Quảng Trị năm 72 cậu ạ.” – Mắt chú chỉ ánh lên một chút – Rồi lại tắt.

Chú tôi, ngày tôi còn nhỏ chỉ thích được ngồi sau xe chú, chú chở đến lớp. Kể câu chuyện bom đạn khi xưa. Tôi rất hào hứng, trẻ con không hiểu được chuyện, chỉ thấy bom đạn bắn nhau là sướng rồi.

Tôi hỏi chú đã bắn được đứa nào chưa. Chú không bao giờ trả lời. Chú chỉ bảo: “Mày còn nhỏ, đừng nghĩ đến bắn giết.”

Chú giải ngũ, làm nghề sửa xe máy. Vẫn con xe xu hào cũ, áo lính lấm lem, khắp người toàn dầu mỡ. Vợ chú ở nhà bán thêm tủ kem, lần nào chú đón tôi cũng được chiêu đãi.

Ngày tôi đi du học, chú lên chào, vẫn dúi cho tôi 500 nghìn tiền taxi đi sân bay, không nhận không được.

Chú nói chuyện với bố.

“Hôm nay giỗ Trúc, Biên, Khang, Hợi..” – vài cái tên tôi không nhớ nổi – “Bom chết cùng một ngày, em mới ở Quảng Trị về đấy chứ.”

Chú kể, uống nước trong cái hào, nắng cạn toàn xác đồng đội bên dưới. Chú chiến đấu ở Quảng Trị, rồi lại lên đường đi Biên Giới.

Chú mất năm ngoái, tôi bay về chỉ kịp thắp nén hương tàn.

Chú bị điếc một bên tai do áp lực của bom.

Thanh niên viết đơn bằng máu để lên đường ra trận. Có hàng vạn người không bao giờ trở về nữa. Đất Mẹ cần. Người ta đi giữ mảnh trời quê hương.”

ĐÁNH PHÁP, ĐÁNH MỸ-NGỤY, ĐÁNH POLPOT, ĐÁNH TRUNG QUỐC!

Chắc chắn rằng, lớp người ra đi năm ấy không ai nghĩ rằng họ sẽ chiến đấu chỉ để sau này, mỗi tháng họ được nhận vài ba trăm nghìn tiền trợ cấp và vài cái giấy khen ố vàng, thậm chí, có những thương binh, liệt sĩ, đến nay cũng chẳng có trợ cấp và ghi công gì, nhưng trên hết họ chiến đấu vì đất nước, vì gia đình và vì dân tộc, chỉ vậy thôi.

Và bây giờ, hết chiến tranh rồi!

Thời đại mới rồi, lớp người đi trước dần dần bị quên lãng theo thời gian, giờ đây, họ là những ông già, bà lão – có thể còn lành lặn, có thể mất vài bộ phận cơ thể, có thể hơi chậm mạch, những người mà chỉ khi đến những ngày kỷ niệm như 27/7,22/12, 30/4 thì chúng ta lại thấy họ đóng bộ quân phục cũ mèm, bạc phếch, đeo đầy huy chương, huy hiệu lọc cọc đạp những chiếc xe đạp thành đoàn, đến trụ sở ở thôn, ở xã, hát những bài ca mà thời trẻ họ đã từng hát, kể về những điều mà chúng ta ngay cả giàu trí tưởng tượng cũng không thể khái quát nổi trong trí não bởi cái thời đó chúng ta chưa từng đến gần nó chứ đừng bảo rằng cảm nhận được!

Và rồi, chúng ta nhìn họ bằng những cái nhìn ái ngại kèm chút khinh thường và thương hại ư?

Đời quả thật bạc, người xưa có câu: “Thỏ khôn chết chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết”. Quả không sai. Tôi đã từng chứng kiến chuyện này thế trên xe bus, 1 nhóm các cựu chiến binh, họ từ Thanh Hóa ra Hà Nội, đi từ bến Yên Nghĩa, xuống đâu, đi đâu và làm gì thì tôi không rõ, chỉ biết rằng, đặc trưng của người miền Biển Thanh Hóa là ăn to , nói lớn, cười rất hào sảng, và họ mặc trên mình bộ quân phục cũ cũ,… Tôi thấy trong ánh mắt của các bạn trẻ đi cùng chuyến xe bus hôm ấy là sự khinh thường, thậm chí là khinh ra mặt. Và thế hệ này, còn bao nhiêu người thực sự biết ơn cha ông họ…

Tôi viết ra những dòng này, không phải là lên mặt dạy đời ai cả, mà chỉ muốn, những người ở thế hệ tôi, những người trẻ như tôi, sống chậm lại, chiêm nghiệm 1 chút, có thể, khi đi qua những tượng đài hoặc nghĩa trang, dành 1 chút biết ơn trong lòng mình cho những người đang nằm ở đó là được.

Lịch sử và chiến tranh đâu quá khó để tìm hiểu như các bạn nghĩ, lịch sử và chiến tranh, ở ngay xung quanh các bạn, có thể là những cựu chiến binh, có thể là những nghĩa trang hay tượng đài, và cũng có thể là những kỷ vật, mọi thứ đều là lịch sử và mọi thứ đều đáng được biết ơn và trân trọng!

Đừng để như thế hệ trẻ Ukraine!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ý nghĩa “Nhất mệnh – Nhì Vận – Tam Phong Thuỷ – Tứ Âm Phúc – Ngũ Tri thức”

  Theo quan niệm của những sách cổ học thuật số Phương Đông xưa có câu: “Nhất mệnh, nhì vận, tam Phong Thuỷ, tứ âm phúc, ngũ tri thức”. Câu này ý nghĩa như thế nào? Nghĩa là số mệnh là yếu tố quyết định toàn cục cuộc đời của một con người, tiếp đến là ảnh hưởng của thời vận, thứ ba là ảnh hưởng của phong thủy. Nói cách khác, số mệnh và sinh ra gặp thời là yếu tố tiền định thuộc tiên thiên; phong thủy là hậu thiên, được quyết định bởi hành vi của đương số và sự điều chỉnh môi trường sinh sống. Ngay từ lúc con người sinh ra đã được trời ban cho một “Số mệnh”, từ trong “mệnh” đó sẽ diễn sinh ra “vận” để chi phối cuộc sống sau này. Mệnh là sinh ra đã có sẵn, không thuộc phạm vi khống chế của bản thân, ví dụ như xuất thân, tướng mạo, cá tính, số lượng anh chị em,…, đó chính là “số mệnh” tiên thiên không thể thay đổi được, nên người xưa bình thản tiếp nhận và chấp nhận sống chung với nó. Căn cứ vào lý luận của Tử Vi Đẩu số, Tử Bình, Bát Tự Hà Lạc,… cuộc đời thực tế của con người là được ...

Cứ để mọi chuyện thuận theo tự nhiên

  Có những thứ ở trên đời nếu thuộc về bạn, thì cuối cùng sẽ là của bạn; ngược lại, thứ không phải của bạn, thì dù có cố tranh giành nó cũng sẽ tự rời xa… Trong tình yêu cũng thế, bạn phải hiểu, thứ bạn yêu không phải đoạn thời gian kia, không phải người ấy khiến bạn nhớ mãi không quên, cũng không phải yêu cái khoảng thời gian đã từng trải qua, bạn yêu chỉ là cái phần non trẻ nhưng vẫn chấp mê bất ngộ của chính mình. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc. Mặc kệ mọi người trên thế giới nói gì, ta đều nhận thức việc làm của bản thân mình mới là đúng đắn Cuộc sống của chúng ta, không phải vì lấy sự ưa thích của người khác mà tồn tại, chúng ta là tự do tự tại, không cần phải đòi hỏi ai yêu thích mình, có thể vui vẻ mà lưng đeo đại địa, mặt hướng trời xanh. Chỉ cần bạn hiểu được điều này, gông xiềng đã bị phá bỏ, bạn có thể tự do mà hít thở. Nếu như đứng trước người mà bạn yêu mến, điều bạn cần làm là bày tỏ lòng mình; nếu bạn kết hôn với một người,...

Ai rồi cũng sẽ đổi thay, chỉ là nhanh đến mức choáng váng, hoặc là chậm đến mức không nhận ra

  Nếu một ngày nào đó, người mà bạn cho là rất rất quan trọng, chỉ nhìn bạn với ánh mắt vô hồn và im lặng kể cả khi bạn có rất nhiều điều muốn nói. Nếu như trong khoảnh khắc chông chênh đó, bạn cũng chọn lấy cách im lặng. Vậy thì dấu hiệu đầu tiên của sự đổi thay đã xuất hiện. Khi mới bắt đầu, ai cũng đều kinh ngạc cho những điều không dễ dàng thay đổi. Đến khi trưởng thành, có chăng cũng chỉ là quen với việc giấu đi cảm xúc, giấu nhẹm đi những hụt hẫng khi niềm tin lại rơi mất. Và rồi sẽ có một ngày nào đó, ngày của hôm qua gần tựa như cơn mơ, nhạt nhòa. Rồi ai cũng sẽ thay đổi. Cuộc sống đó là một vòng luân chuyển. Ánh sáng bóng tối thay phiên nhau. 4 mùa xuân hạ thu đông cũng lần lượt sẽ thay đổi cho nhau. Vốn dĩ không có cái gì sẽ đứng yên tại một chỗ. Và ngay bản thân ta lớn lên cũng phải chấp nhận rằng trái đất cũng di chuyển vậy thì làm gì có khái niệm mãi mãi. Thứ có thể mãi mãi tồn tại đó chính là kỷ niệm, bởi nó là một phần ký ức của ta chẳng thể xóa nhòa. Một đôi giày, l...