Trí tuệ cổ nhân: Làm người trước, làm việc sau
Chữ “nhân” viết ra thì đơn giản nhưng làm được lại vô cùng khó. Mà giữ gìn “nhân phẩm” lại là quy tắc làm người căn bản nhất. “Làm người trước khi làm việc”, đây được xem là đạo lý mãi mãi không thay đổi. Một người làm người như thế nào, không chỉ thể hiện ra trí tuệ mà còn thể hiện ra cảnh giới tu dưỡng của người ấy.
Một người cho dù là thông minh ra sao, có năng lực lớn đến đâu, điều kiện hoàn cảnh tốt đến cỡ nào, nhưng nếu không hiểu được đạo lý làm người thì nhân phẩm, phẩm giá sẽ rất kém. Như vậy, sự nghiệp của người ấy sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chỉ có làm người trước thì mới có thể làm thành được việc đại sự, đây vừa là đạo lý, vừa là lời giáo huấn của người xưa.
Ưu khuyết điểm của phẩm tính mỗi người là khác nhau, cho nên kết quả làm việc cũng khác nhau, đôi khi là “một trời một vực”. Bất luận một sự thất bại nào trong cuộc đời đều không phải là ngẫu nhiên. Tương tự, bất kể một sự thành công nào của một người đều có tính tất yếu. Trong đó, nhân tố “làm người” lại là quan trọng nhất. Nhân phẩm, phẩm giá của con người là cơ sở nền tảng để con người thi triển năng lực. Bởi vậy từ nhỏ đến lớn, chắc hẳn chúng ta đã nghe nhiều đến cụm từ “đạo lý làm người”.
“Nhân phẩm” và “năng lực” giống như tay trái và tay phải của một người. Năng lực được ví như một con dao hai lưỡi. Nếu như “năng lực” được một người có phẩm đức cao nắm giữ thì họ sẽ sáng tạo cho xã hội vô số những điều có giá trị. Trái lại, nếu “năng lực” được một người có phẩm đức kém nắm giữ thì không biết bản thân người ấy và xã hội sẽ đi đến nguy hiểm gì.
Từ ngàn xưa đến nay, không có ai nguyện ý trọng dụng một người khuyết thiếu phẩm đức. Một người mà nhân phẩm không tốt thì cho dù có tài năng lớn đến đâu thì cũng sẽ mang đến tổn hại cho người khác, cho tổ chức và cho xã hội ở những thời điểm mấu chốt. Hơn nữa, người có năng lực càng lớn thì tổn thất tạo thành cũng sẽ càng lớn.
Cổ nhân giảng: “Hậu đức tái vật”, lấy đức dày nâng đỡ vạn vật. Làm người phải có đức hạnh tốt thì mới có thể chịu tải được vạn sự, mới có thể làm thành việc lớn. Cho nên, một người ôm chí lớn thì phải có đức dày, người mà không có đức lớn thì không thể thành tựu được đại sự. Do đó làm người phải thường mang trong mình lòng biết ơn, không quá tính toán chi li, có nhiều tình thương, làm nhiều việc thiện, thường xuyên đứng ở góc độ người khác mà suy xét mới có thể có nhiều nhân duyên tốt đẹp và tín danh cho bản thân mình.
Cổ nhân cũng giảng: “Chịu thiệt là phúc”, cho nên, chúng ta không cần lúc nào cũng phải tranh giành lợi ích, cần suy nghĩ nhiều hơn cho người khác thì mới có thể thành tựu được sự nghiệp.
Một trong những doanh nhân “huyền thoại” của Nhật Bản là Kazuo Inamori, người sáng lập tập đoàn Kyocera. Ông Inamori khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, là một kỹ sư không học qua trường lớp quản trị, vậy mà đã thành lập được hai công ty khổng lồ: tập đoàn Kyocera và KDDI. Trong đó KDDI là công ty viễn thông lớn thứ hai tại Nhật Bản, còn tập đoàn Kyocera chuyên sản xuất gốm công nghệ cao và các sản phẩm điện tử. Cả 2 đều từng nằm trong số 500 công ty lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn. Trong 47 năm từ khi thành lập, tập đoàn Kyocera dưới sự dẫn dắt của Kazuo Inamori chưa bao giờ bị lỗ, đây là một thành quả vượt bậc.
Khi được hỏi về bí quyết của thành công, ông Inomori có một câu trả lời vô cùng đơn giản. Ông tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời là phải đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta có mặt tại đây?” Câu trả lời của ông là: “Chúng ta có mặt ở đây để nâng cao đức tính của chúng ta. Chúng ta muốn trở thành một người có đạo đức tốt hơn khi chúng ta mới sinh ra, và không còn một mục đích nào khác. Để hiểu tại sao chúng ta có mặt tại đây, chúng ta cần phải tìm một con đường chân chính”. Ông tin rằng không có sự khác biệt nào giữa việc ứng xử trong cuộc sống hằng ngày và cư xử trong kinh doanh.
Quan điểm của ông Inamori xuất phát từ văn hoá truyền thống phương Đông, đặc biệt là Phật giáo. Những quan niệm triết lý của Khổng Tử và Đức Phật là căn bản cho đạo đức kinh doanh của ông. Inamori tin rằng bản thân doanh nghiệp cũng giống như con người đã tạo ra nó, do đó đức tính và những tiêu chuẩn đạo đức của con người rất quan trọng. Nếu một người không có những tiêu chuẩn đạo đức cao, người đó không thể tạo dựng một doanh nghiệp tốt. Người đó phải nâng cao đức tính của mình để phát triển công việc kinh doanh. Vì thế, bí mật để thành công chính là phải nâng cao đạo đức.
Inamori chỉ mới 27 tuổi khi ông thành lập Tập đoàn Kyocera. Khi ấy, ông không có kinh nghiệm nào và không biết phải tiến hành ra sao. Ông quyết định làm theo lời khuyên của cha mẹ và thầy giáo về tầm quan trọng của sự trung thực, vui vẻ, thành tín, biết ơn, thật thà, nhẫn nhục, kiên nhẫn, tin cậy, công lý, kính trọng, vị tha, siêng năng, tiết kiệm, chịu khổ, không oán hận hay ganh tị, đồng thời ghi nhớ ‘một điều bất lợi có thể trở thành một lợi điểm’, v.v..
Những quan niệm này, tất cả đều là những tiêu chuẩn đạo đức căn bản trong văn hóa nhân loại suốt hàng ngàn năm. Khi gặp khó khăn, ông tìm thấy câu trả lời bằng việc suy xét xem việc mình làm đúng hay sai, thiện hay ác. Hay nói cách khác, để đánh giá các vấn đề và đưa ra quyết định kinh doanh, ông Inamori đã hoàn toàn dựa trên lương tâm. Ông đã lãnh đạo công ty của mình đến thành công bằng cách đi trên con đường chân chính.
Xã hội hiện đại ngày nay, người ta chú ý nhiều hơn đến “năng lực”, có lẽ đàm luận về “nhân phẩm” đã trở nên “lỗi thời” với một số người. Thậm chí có người còn cho rằng “nhân phẩm” kém một chút thì có sao? Nhưng kỳ thực, chặng đường mà một người đi đến thành tựu là lâu dài, hơn nữa còn phải cần sự khẳng định của những người xung quanh. Người năng lực lớn mà không có nhân tính thì người ấy cũng chỉ là một “kẻ hủy diệt” mà thôi.
Cho nên làm người nhất định phải tu dưỡng phẩm đức, có như vậy mới được người đời tôn trọng và mới đứng vững được bằng đôi chân của mình ở trong bất kỳ xã hội nào.
Nhận xét
Đăng nhận xét