Tướng do tâm sinh: Người tâm lượng nhỏ thì cuộc sống khó thông thuận
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rất nhiều việc có thể khiến cho người ta tranh giành nhau. Đôi khi chỉ những lợi ích nhỏ nhoi cũng đủ để quấy nhiễu, khiến tâm một người không yên, sống không hạnh phúc. Nhưng suy ngẫm một chút, không khó để nhận ra rằng trong đời người, những việc không như ý thường chiếm đến tám, chín phần. Nếu một người hễ gặp phải khó khăn trở ngại hay mâu thuẫn mà cảm thấy chán ghét, oán hận người khác thì kỳ thực lòng dạ của họ thật quá hẹp hòi, tâm lượng quá nhỏ. Một người nếu như có thể mở rộng tâm lượng của mình thì tâm linh mới có thể thăng hoa, hạnh phúc hay không chính là do tâm lượng lớn hay nhỏ của mỗi người quyết định.
Tâm lượng của một người lớn hay nhỏ sẽ quyết định người đó sống vui hay buồn. Chỉ một ý niệm của con người cũng có thể khiến cho lòng dạ của họ to lớn như biển cả, nhưng cũng có thể khiến nội tâm của họ nhỏ hẹp như một hạt bụi.
Chuyện kể rằng, có một hòa thượng trẻ tuổi luôn vì những điều nhỏ nhặt này khác mà buồn phiền. Một hôm, hòa thượng trẻ tuổi đem sự tình này hỏi sư phụ của mình: “Con luôn thấy phiền não, luôn bực tức. Xin Sư phụ khai thị cho con!”
Vị lão hòa thượng nói: “Con hãy mang một túi muối ra đây, sau đó đổ muối vào cái chén, uống lấy một ngụm.”
Sau đó, lão hòa thượng hỏi: “Con thấy vị thế nào?”
Hòa thượng trẻ tuổi nhăn mặt đáp: “Vừa mặn vừa chát!”
Vị lão hòa thượng lại dẫn hòa thượng trẻ tuổi ra cái hồ trước chùa và nói: “Con hãy đổ cả túi muối này xuống hồ sau đó nếm thử một ngụm nước xem sao!”
Hòa thượng trẻ tuổi làm theo, lão hòa thượng lại hỏi: “Con thấy vị của nó thế nào?”
Hòa thượng trẻ tuổi nói: “Thưa sư phụ, có vị ngọt!”
Vị lão hòa thượng mỉm cười nhìn đệ tử rồi nói: “Những thống khổ của sinh mệnh cũng giống như vị mặn của muối. Mức độ cảm nhận và thể nghiệm của chúng ta được quyết định bởi việc chúng ta đem nó đặt ở trong vật chứa đựng lớn hay nhỏ.”
Vật chứa đựng của sinh mệnh này, kỳ thực chính là tâm lượng. Tâm lượng của một người lớn hay nhỏ sẽ quyết định thống khổ là lớn hay nhỏ. Tâm lượng càng rộng mở thì phiền não càng nhẹ, tâm lượng càng nhỏ thì phiền não càng nhiều. Người có tâm lượng nhỏ hẹp thông thường sẽ không bao dung được, không yêu thương và cũng không tiếp nhận được khuyết điểm của người khác. Một người có thể bao dung hết thảy người khác mới có thể thực sự tiêu diêu tự tại, làm được từ bi thực sự và đạt được trí tuệ chân chính.
Muốn tâm lượng rộng lớn thì cần thấu hiểu lẽ được mất ở đời. Trên thế gian này có một nguyên lý, chính là có được thì có mất, có mất thì có được. Lão Tử nói: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa”. Trong cuộc đời, chuyện tốt và chuyện xấu thường chuyển hóa cho nhau. Chúng biến đổi khôn lường, vượt qua khỏi sự tính toán cẩn thận nhất.
Mọi sự trong thế gian thật khó có thể vừa lòng đẹp ý tất cả mọi người. Bởi vậy không nên lúc nào cũng tính toán so đo, khi gặp sự tình không thuận thì cũng cần biết được mặt tốt của nó, ít nhất đó chính là cơ hội để một người tu dưỡng bản thân.
Trong cuộc sống, hết thảy mọi việc phát sinh đều có hai mặt chính và phản, tốt và xấu. Những khó khăn, ngăn trở tạm thời sẽ là bước đệm, bậc thang cho những thành công trong tương lai.
Cho nên không cần phải tức giận, lại càng không cần phải tranh giành, đấu đá. Một người nếu có thể nhẫn nại, kiềm chế, lùi lại một bước thì tâm lượng của họ đã được mở rộng rồi.
Người có tâm lượng lớn, có tấm lòng rộng mở thì nhất định là người tài năng, đức độ. Người ấy cũng dễ dàng đạt được thành công, thành tựu được sự nghiệp lớn.
Nhận xét
Đăng nhận xét