4 phẩm chất một người cần tu dưỡng và thủ vững trong cuộc đời
Con người thông thường khi đứng trước nguy nan sẽ lo lắng sợ hãi, đứng trước danh lợi sẽ đắn đo, thậm chí sẵn sàng thất tín, có chút thành tựu hơn người lại dễ sinh tâm ngạo mạn, khi có tài năng mà không được trọng dụng thì buông xuôi, oán trời trách đất. Từ xưa đến nay, có không ít người khi đối diện với lựa chọn khó khăn thì không đủ dũng khí để tuân theo lương tri và đạo đức. Bởi thế, cổ nhân đề cao sự tu dưỡng, chỉ khi có tu dưỡng thì mới làm chủ được bản thân và có những lựa chọn sáng suốt ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời điểm nào. Dưới đây là 4 phẩm chất mà một người cần thủ giữ và tu dưỡng để không phạm phải sai lầm lớn trong cuộc đời.
🔻 1. Giữ chữ tín, người bất tín sao làm được việc?
Luận Ngữ giảng: “Người không đáng tin cậy, làm sao làm được việc. Xe lớn mà không có cái đòn lớn, xe nhỏ mà không có cái chốt nhỏ, làm sao dùng để đi đây?”
Thủ tín là một nhân cách đáng trọng, có dùng bao nhiêu tiền cũng không mua được. Đây gọi là: “Đường đường chính chính làm người, quang minh chính đại làm việc”.
Là một người mà nói, đừng bao giờ vứt bỏ sự tín nhiệm của người khác đối với bản thân, bởi vì thất tín là một trong những thất bại lớn nhất của đời người.
🔻 2. Giữ đức khiêm, người càng trí tuệ càng khiêm tốn
Có câu: “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, kẻ tài trí giả như ngu dốt, kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ. Lão Tử cũng giảng: “Đại âm vô thanh, đại tượng vô hình”, tiếng lớn mà như không có tiếng, hình lớn mà như không có hình. Người có tài trí cao thường luôn khiêm tốn, không để lộ tài năng, vẻ ngoài biểu hiện ra giống như một người ngu dốt, nhưng thực ra lại là người có trí tuệ phi phàm.
Những người không có tài thực sự thì thường khoe mẽ, tự tâng bốc bản thân. Trái lại, người có học thức phong phú thì lại phi thường khiêm tốn. Người khiêm tốn không chứng tỏ mình, cũng không vì chút thành tựu mà đắc chí.
Nếu bạn là một chiếc thùng thì dù có thêm nhiều giọt nước, nước cũng không bị tràn ra ngoài, nhưng nếu bạn chỉ là một bình trà nhỏ bé thì chỉ cần thêm mấy giọt nước, nước sẽ tràn ra ngoài ngay. Người càng khiêm tốn thì dung lượng của tâm càng lớn, người ấy có tải trọng càng nhiều.
🔻 3. Giữ thời cơ, quân tử chờ thời
Chu Dịch viết: “Quân tử tàng khí vu thân, đãi thì nhi động”, tức là người quân tử cất giấu lợi khí, chờ thời cơ đến mới hành động. Người quân tử có tài năng, tài nghệ siêu việt hơn người bình thường, nhưng họ không khoe khoang mà chờ đến khi thời cơ thích hợp mới đem tài nghệ ra thi triển.
Vào lúc còn chưa được ai biết đến, thì phải tăng cường tu dưỡng, chờ khi cơ hội tới mới có thể thi triển ra đầy đủ tài năng của mình. Nếu có được chút kỹ năng mà đã đem ra phô bày hết thì chứng tỏ tâm cảnh chưa đủ, cũng không thể có được thành tựu cao hơn.
Thời cơ, thời thế phần lớn là khách quan, không phải do con người tạo ra. Do vậy đa số người ta chỉ có thể làm tốt những điều có thể làm, chờ đợi thời cơ, có thời cơ thì lập tức hành động. Đây chính là “thủ thời”. Một người biết “thủ thời” nhất định sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất, kỹ càng nhất và không để thời cơ trôi qua một cách vô ích.
🔻 4. Giữ tâm tĩnh, muốn thành đại sự phải có tĩnh khí
Đạo Đức Kinh viết: “Tĩnh vi táo quân” , ý nói tĩnh là chủ của xao động, nóng nảy. Tĩnh có thể loại bỏ được những bất ổn cảm xúc của con người.
Sách Đại Học cũng bàn rằng: “Tĩnh rồi mới có thể an định, an định rồi thì sau mới lo nghĩ, mưu sự mà làm thành được việc”. Có thể nói, tĩnh là cơ sở, nền móng của một người làm việc lớn.
Một người nếu trong tâm không tĩnh thì thực sự rất khó để suy nghĩ được vấn đề, làm người, làm việc cũng nhất định sẽ ngạo mạn, kiêu căng, xốc nổi. Người có tĩnh khí sẽ cẩn thận quan sát, xem xét thời thế, lý giải sâu xa mà tìm được biện pháp giải quyết vấn đề.
Trên đường đời, người ta có thể sẽ phải trải qua những năm tháng nhấp nhô. Nếu bảo trì được thái độ và cách sống đúng đắn, thủ giữ lương tri, thì từ trong “rối ren” ấy có thể tìm được sự siêu nhiên và an định, cuộc đời cũng sẽ rộng mở và sáng tỏ hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét