7 quy tắc nhận biết phẩm hạnh của một người khi kết giao
Người cao thượng có thể xem hết thảy mọi người đều là bạn, đều có thể đối xử thiện lương với họ. Nhưng một người chú ý tu dưỡng cũng phải biết trân quý sinh mệnh của mình, kết giao với những người có phẩm hạnh tốt, không thân cận với những người có phẩm hạnh xấu xa. Cổ nhân coi trọng việc kết giao, có những tiêu chuẩn kết giao thật khắt khe và cũng không kém phần trí tuệ.
🔻 1. Xem lễ của một người
Thời kỳ Chiến Quốc, Mạnh Tử đem “Nhân, nghĩa, lễ, trí” làm quy phạm đạo đức căn bản. Lễ là thể hiện của lòng khiêm tốn và trở thành một trong những đức hạnh được coi trọng của con người. Ông cho rằng, “lễ” là yếu tố khiến cho mỗi một người sang quý hay bần tiện, thậm chí dựa vào lễ có thể đạt được vị trí thích đáng trong xã hội.
Một người không có lễ nghĩa, không thực hành được những điều cơ bản như vậy thì chính là người có tố chất kém. Từ xưa đến nay, người tự mình làm thành được việc lớn, lưu danh muôn đười cũng thường là người hiểu biết lễ nghĩa, dù rơi vào hoàn cảnh nào cũng thủ được lễ.
Một người sau khi thành công, phát đạt, đạt được nhiều điều thì thường là tâm sẽ không giữ được vững, sẽ để lộ ra nhiều khía cạnh của nội tâm, đó là lúc dễ “thất lễ”. Lúc này, có thể nhìn vào ngôn hành cử chỉ của họ, xem có phải hay không là người khiêm tốn có lễ tiết, lễ phép, có tuân thủ hết thảy những quy tắc cơ bản hay không.
🔻 2. Xem đức của một người
Người xưa có câu: “Hậu đức tải vật” (đức dày có thể nâng đỡ được vạn vật), nói cách khác người có tài phú nhất định phải là người có đức dày. Hết thảy tài phú, danh dự, địa vị đều là những thứ bên ngoài, đức hạnh mới là căn bản, là cái gốc rễ của một người.
Trong việc tu dưỡng đức hạnh thì người xưa rất chú trọng tới chữ Hiếu. “Bách thiện hiếu vi tiên” (trăm việc thiện thì hiếu thảo đứng đầu), hiếu thảo với cha mẹ là thể hiện rõ nhất của đức hạnh. Suốt cuộc đời của mỗi người, điều thiện mà chúng ta gặp là rất nhiều, nhưng không gì sánh bằng chữ Hiếu. Một người dù thành đạt đến đâu đi nữa nhưng bất hiếu với cha mẹ thì không thể có hậu phúc.
🔻 3. Xem sự cần kiệm của một người
Muốn biết phẩm hạnh của một người ra sao, đặc biệt là sau khi họ giàu có, hãy nhìn vào cách họ ứng xử với tài phú như thế nào: tiêu tiền cho ai, tiêu tiền vào những nơi nào, có phung phí xa hoa hay không. Nếu như một người sau khi giàu có rồi mà vẫn bảo trì được bản tính cần kiệm thì đó là người có phẩm hạnh rất tốt.
🔻 4. Xem mức độ thành tín của một người
Muốn biết một người có thành tín hay không, hãy quan sát lời nói và hành động của họ. Nếu một người chỉ nói mà không làm tức là chỉ nói suông, nói mạnh miệng mà không có hành động thực tế. Nếu một người nói nhiều mà làm ít thì là người không trung thực hoặc không tự hiểu được bản thân. Lời nói không đủ để chứng minh điều gì. Lời nói và việc làmsai biệt quá lớn thì nhân phẩm không tốt. Người như vậy cổ nhân khuyên nên tránh kết thân.
🔻 5. Xem nội tâm của một người
Muốn biết nội tâm của một người phải nhìn vào sở thích, hành vi của họ. Quan sát sở thích của một người, xem người này hằng ngày yêu thích gì, sẽ hiểu ra trong tâm họ chất chứa điều gì. Xem hành vi của một người cũng lại như thế, vì hành vi biểu hiện ra suy nghĩ.
🔻 6. Xem ý chí của một người
Người thời nay thường cho rằng người có nhiều tiền bạc của cải là người đáng kết giao, còn người không có tài sản gì trong tay thì không đáng. Nhưng người xa hoa, không có ý chí mới thực sự là người nghèo.
Nghèo không đáng sợ, mấu chốt là phải có quy tắc làm người, phải hiểu được cái gì có thể, cái gì không thể. Người nghèo nhưng có tầm nhìn cao xa, phù hợp với năng lực của mình, là người đáng quý.
🔻 7. Xem mức độ cao quý của một người
Muốn xem mức độ cao quý của một người, hãy nhìn vào cách người đó tiến cử người khác. Một người sau khi đã có địa vị cao sang, thì từ cách đối xử với người khác, trọng dụng hay giới thiệu người khác, có thể nhìn ra phẩm chất của họ.
Ngoài ra, một người không kiêu ngạo, không siểm nịnh, biết việc nào nên làm việc nào không nên cũng là người cao quý. Người quân tử luôn có một chuẩn tắc và nghiêm khắc với bản thân mình. Họ tuyệt đối không làm điều xằng bậy, không làm việc trái với đạo lý, gặp người quyền thế mà không xu nịnh, gặp người mạnh thì không sợ, gặp người yếu hơn mình thì không bắt nạt, tôn kính người lớn tuổi, che chở người nhỏ tuổi. Người thấp hèn thường tự đánh mất sự tôn nghiêm của bản thân mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét