Tăng Quốc Phiên: Chăm chỉ và đọc sách giúp gia đình hưng thịnh
Tăng Quốc Phiên cho rằng một gia đình có hưng thịnh hay không nhìn vào ba đặc điểm là biết. Ba đặc điểm đó là:
Thứ nhất: Nhìn xem con cháu ngủ đến mấy giờ. Nếu như ngủ đến lúc mặt trời lên cao mới bắt đầu dậy thì gia đình này đang từ từ lười biếng mà đi xuống.
Thứ hai: Nhìn xem con cháu trong nhà có chăm chỉ làm việc hay không. Bởi vì thói quen làm việc sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một ngừời.
Thứ ba: Nhìn xem con cháu có thường đọc sách kinh điển của các bậc cao nhân thánh hiền hay không. Bởi vì người không học sẽ không hiểu nghĩa khí và không biết đạo lý.
Về cơ bản, điểm thứ nhất và thứ hai trong lời dạy của Tăng Quốc Phiên nói rằng con cháu trong gia đình phải rèn luyện đức tính chăm chỉ chịu khó chịu khổ.
Tăng Quốc Phiên từng viết trong thư gửi gia đình rằng: “Anh em con cháu trong gia đình phải lấy cần cù làm gia đạo. Cả nhà cần cù thì dù vào thời loạn cũng có thể hưng thịnh. Tự mình cần cù thì dẫu là kẻ ngốc cũng mang phong thái của bậc hiền trí.”
Tăng Quốc Phiên cho rằng phúc hay họa vốn không phải là điều con người có thể quyết định được, nhưng chăm chỉ và nỗ lực là có thể ảnh hưởng tới phúc phận của bản thân và gia đình.
Mỗi ngày chăm chỉ, mỗi ngày nỗ lực, thì sẽ đều có thu hoạch. Có làm thì có được, tích tiểu thành đại, đây là đạo lý của trời đất. Một gia đình mà mỗi người đều cần cù chịu khó, hơn nữa còn giúp đỡ lẫn nhau và có thiện tâm, thì chẳng mấy chốc mà gia đình đó sẽ hưng thịnh. Cá nhân mà lười biếng thì dù có núi vàng núi bạc rồi cũng miệng ăn núi lở, làm ảnh hưởng tới mọi người. Cả gia đình cùng nhau lười biếng thì chẳng mấy chốc mà gia đạo suy vi.
Ở điểm thứ ba, Tăng Quốc Phiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách. Ông cũng từng viết rằng: khí chất của con người sinh ra đã có, vốn là điều khó cải biến được, duy chỉ đọc sách là có thể cải biến được. Bởi vậy ngay từ khi con cái còn nhỏ, Tăng Quốc Phiên đã giáo dục chúng đọc sách một cách rất bài bản và quy củ. Người con trai lớn của ông là Tăng Kỷ Trạch ngay từ nhỏ đã đọc hai cuốn sách “Thập tam kinh” và “Nhị thập tam sử”. Đây cũng là hai cuốn sách chính Tăng Quốc Phiên lấy làm gốc để dạy con.
Tăng Quốc Phiên cho rằng những tác phẩm kinh điển này đã trải qua và được khảo nghiệm bởi lịch sử. Sở dĩ chúng được xưng là các tác phẩm kinh điển bởi trong đó hàm chứa trí tuệ đúc kết lại của người xưa cũng như các tấm gương và dẫn chứng cụ thể về các giá trị phổ quát như: thiện lương, chính nghĩa, nhân từ, thành tín, v.v.. Đây là những điều đáng giá nhất để người đời sau học tập và lĩnh hội. Hơn nữa một số cuốn sách kinh điển như Đạo Đức Kinh, Dịch Kinh… đọc đi đọc lại nhiều lần cũng sẽ tạo ra một loại trạng thái lĩnh hội mới, mỗi lần đọc lại hiểu ra được thêm được một vài điều.
Tăng Quốc Phiên còn cho rằng khi đọc sách cần chuyên chú, không cần vội vã đọc chưa hết cuốn này đã sang cuốn khác, nhưng ông cũng không yêu cầu con phải ghi nhớ. Cách làm của ông là tuần tự, thoải mái, không cưỡng cầu mà đọc: “Phàm là đọc sách, không nhất thiết phải cầu ghi nhớ được nhiều, chỉ cần ngày hôm nay đọc một phần, ngày mai đọc một phần thì lâu dần tự nhiên sẽ có ích.”
Cách giáo dục của Tăng Quốc Phiên đối với con cái trong gia đình còn có một điểm đáng quý, đó là ông cho con cái tự do phát triển theo thiên hướng mình thích, chỉ cần chúng chăm chỉ và chịu khó tìm tòi.
Người con trai thứ nhất của ông là Tăng Kỷ Trạch không thích thi cử, không thích những điều rập khuôn, và văn bát cổ, nhưng lại đặc biệt yêu thích ngôn ngữ học và xã hội học của phương Tây. Tăng Quốc Phiên biết sở thích của con, liền khích lệ con tìm đọc sách theo sở thích của mình.
Mặc dù Tăng Quốc Phiên không am hiểu về Tây học, nhưng ông cũng cố gắng tìm hiểu cùng con. Về sau này, Tăng Kỷ Trạch viết hai cuốn sách nổi tiếng là “Tây học thuật lược tự thuyết” và “Kỷ hà nguyên bản”, đều do Tăng Quốc Phiên phê duyệt trước khi xuất bản.
Người con trai thứ hai của Tăng Quốc Phiên là Tăng Kỷ Hồng yêu thích toán học. Ông cũng cổ vũ, khích lệ con nghiên cứu toán học. Vợ của Tăng Kỷ Hồng là Quách Quân cũng ham đọc sách. Thời ấy phụ nữ ham thích đọc sách là điều hiếm có, nên Tăng Quốc Phiên thuận theo việc dạy bảo con trai, cũng thuận tiện giáo dục con dâu nghiên cứu, đọc sách.
Khác với sở thích toán học của chồng, Quách Quân chỉ có hứng thú với văn học và sử học. Đây lại là phương diện mà Tăng Quốc Phiên vô cùng thông giỏi. Cho nên, dưới sự chỉ dẫn của Tăng Quốc Phiên, con dâu ông đọc rất nhiều sách kinh điển và cuối cùng cũng trở thành một người phụ nữ có tài.
Nhận xét
Đăng nhận xét