Bàn về chữ Lễ: Quy củ lớn không thể vượt, lễ tiết nhỏ có thể thay
Một chữ Lễ có thể dùng để đánh giá phẩm hạnh của một người, thậm chí của một quốc gia dân tộc. Nhưng nếu chỉ nhìn vào những điều lý thuyết bề mặt thì liệu đã đủ chưa?
Sách “Yến Tử Xuân Thu” kể rằng, một lần nọ, Yến Tử đi sứ nước Lỗ. Sau khi Khổng Tử hay tin bèn gọi đệ tử tới căn dặn rằng: “Các trò nhất định phải chú ý đến lễ nghi của Yến Tử.”
Rất nhanh, Tử Cống trở về và nói với Khổng Tử rằng:
Ai nói rằng Yến Tử tinh thông lễ nghi? Trò thấy ông ta chẳng hiểu biết chút nào. Trong Lễ có quy định rằng: “Lên bậc thềm không được nhảy bậc, trước đại điện không được đi nhanh, trao ngọc thì không được quỳ.” Hiện nay Yến tử đều vi phạm hết thảy, sao có thể nói Yến Tử hiểu lễ nghi được?
Sau khi Yến Tử bái kiến vua nước Lỗ xong thì dành riêng một buổi tới gặp Khổng Tử. Khổng Tử nhân cơ hội ấy mới mở lời với ông trước các học trò rằng:
Trong Lễ có quy định rằng: “Lên bậc thềm không được nhảy bậc, trước đại điện không được đi nhanh, khi trao ngọc thì không được quỳ.” Nhưng khi ngài bái kiến quân vương nước Lỗ, đều không làm theo lễ, như vậy chẳng phải tiên sinh đã vi phạm lễ nghi rồi sao?
Yến Tử đáp rằng:
Ta nghe nói, giữa cột phía Đông và phía Tây trong đại điện, thì quân vương và các thần tử ai nấy đều có vị trí của mình, quân vương sải một bước thì thần tử cũng phải bước hai bước. Vua Lỗ đi rất nhanh, nên ta bước lên bậc thềm vô cùng nhanh là vì để kịp đến vị trí. Khi vua nước Lỗ tiếp nhận ngọc quý, người hơi cúi xuống, nên ta quỳ xuống trao ngọc cho ngài. Nếu không, vua nước Lỗ sẽ sẽ cúi thấp hơn là ta đứng, đó là quân ti thần tôn, há chẳng phải là thất lễ quân thần hay sao? Ta cảm thấy, quy củ lớn thì không thể vượt qua, lễ tiết nhỏ có đôi chút xê dịch cũng được. Ngài nói xem phải vậy không?
Khổng Tử im lặng không trả lời. Yến Tử đứng dậy cáo từ, Khổng Tử dùng lễ nghi của quan khách tiễn Yến Tử ra cửa. Sau khi quay về, Khổng Tử cho gọi các đệ tử tới, cảm thán nói với họ rằng:
Yến Tử quả là người tinh thông lễ nghi! Ông ấy không chỉ hiểu những lễ nghi viết rõ ràng trên văn tự, mà còn hiểu cả những lễ nghi không được viết rõ trong văn tự. Hơn nữa còn có thể thực hành chúng tuỳ theo tình huống thực tế, đây gọi là lý luận liên hệ với thực tế. Yến Tử quả thực là người rất hiểu lễ nghi!
Thời hiện đại ngày nay, chữ Lễ thoạt xem có phần giản đơn, đối với con cháu thì gọi dạ bảo vâng, đối với đồng nghiệp thì tôn trọng, đối với cha mẹ thì hiếu kính, vậy đã được xem là Lễ chưa? Những hành xử bề ngoài ấy có thể xem là Lễ, nhưng chỉ là hình thức của Lễ mà thôi. Chạy theo những thứ ấy thì quả thật là chưa thực sự hiểu thấu đáo về chữ Lễ.
Người xưa nói: “Lễ có thể quản lý quốc gia, an định xã hội, quản thúc nhân dân, và làm lợi cho con cháu đời sau” (Tả Truyện – Ẩn Công). Nếu một quốc gia không có Lễ, thì sẽ dẫn tới những chuyện kẻ trên ức hiếp người dưới, kẻ dưới xảo trá với người trên, làm loạn luân thường. Như vậy quốc gia này tất nhiên sẽ ô yên chướng khí, chẳng thể lớn mạnh.
Tuân Tử từng nói: “Con người không có lễ chẳng thể sinh tồn, hành sự không dùng lễ chẳng thể thành, quốc gia không có lễ chẳng thể yên ổn.” Chữ Lễ nhỏ thì có thể đánh giá phẩm hạnh một người, lớn thì có thể đại diện cho quốc thể của cả một dân tộc.
Nhận xét
Đăng nhận xét