Trí tuệ của cổ nhân: Tâm ngạo mạn đến từ sự vô tri
Thời cổ đại, các bậc thánh hiền hay những người giác ngộ dù có trí tuệ thâm sâu đến mấy thì trong tâm vẫn tràn ngập lòng kính sợ đối với tự nhiên, với Thần Phật. Đến thời cận đại, những nhân tài kiệt xuất của thế giới cũng vẫn đối nhân xử thế rất khiêm tốn. Họ không chỉ tiếp nhận được hết thảy ý kiến phê bình mà còn có thể bao dung người khác. Chỉ có những người vô tri, không hiểu biết mới có thái độ ngạo mạn, ngông cuồng tự đại, xem thường đạo lý. Hơn nữa, càng là người vô tri thì thường thường càng ngạo mạn, cuồng vọng.
Isaac Newton và Albert Einstein, dù đã đạt đến đỉnh điểm của khoa học đương thời cũng luôn mang trong mình đức tính khiêm tốn, không bao giờ tự mãn. Isaac Newton từng khiêm tốn nói rằng: “Tôi có thể nhìn xa trông rộng là vì tôi đứng trên vai người khổng lồ mà thôi”. Người khổng lồ mà Newton nói tới ở đây có lẽ là những người đi trước, cũng có thể là đức tin của ông đối với Kitô giáo.
Còn Albert Einstein thì tâm sự:
“…Chúng ta chỉ ở vị trí của một đứa bé đi vào trong một thư viện khổng lồ chứa đầy sách bằng nhiều ngôn ngữ. Đứa bé biết rằng chắc có một người nào đó đã viết những sách ấy. Đứa bé không biết sách đã được viết ra bằng cách nào. Đứa bé không hiểu ngôn ngữ trong những sách ấy. Đứa bé chỉ mù mờ nửa tin nửa ngờ rằng có một trật tự huyền bí trong việc sắp đặt những cuốn sách đó nhưng không biết rõ trật tự đó là gì. Hình như đối với tôi, đó là thái độ cần có của ngay cả một người thông minh nhất đối với Chúa trời. Chúng ta nhận thấy vũ trụ được sắp xếp một cách kỳ diệu và tuân theo một số quy luật nhất định, nhưng chúng ta chỉ hiểu lờ mờ những quy luật này.”
Cổ nhân luôn coi trọng những người khiêm tốn, biết kính sợ và coi thường những người ngạo mạn, ngông cuồng. Khổng Tử nói: “Tiểu nhân, người vô minh không hiểu mệnh trời nên không biết sợ, khinh mạn bậc đại nhân, coi thường lời nói của Thánh nhân”. Kẻ tiểu nhân vô minh, tri thức hạn hẹp nhưng lại cho mình là tài giỏi hơn người, chỉ trích lời nói của bậc thánh hiền.
Trong “Sử ký” có chép chuyện Khổng Tử từng hướng Lão Tử thỉnh giáo. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Người buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ ngu ngơ”. Người tài trí thực sự không khoa trương mình.
Cổ nhân giảng: “Khiêm tốn được phúc báo, tự mãn chiêu mời họa”. Người không phải bậc vĩ nhân càng nên nghiêm khắc với chính mình, đừng vì chút thành tựu nhỏ mà tự mãn, kiêu ngạo, cần luôn khiêm tốn hướng đến người khác học hỏi với tấm lòng biết ơn.
Có câu chuyện kể về Giorgio Belloni (1861-1944), một họa sĩ người Ý thành danh vào thế kỷ 19, thế này. Trong một dịp đến Thụy Sĩ nghỉ ngơi, danh họa Belloni vẫn ngày ngày mang giá vẽ đến nhiều nơi để vẽ. Hôm ấy, khi Belloni đang ngồi bên hồ Geneva tập trung vẽ tranh thì ba vị nữ du khách đến từ Anh tiến lại gần quan sát. Sau khi xem bức tranh của ông, ba người họ lần lượt đưa ra những lời bình luận. Họ chỉ ra chỗ này không đạt, chỗ kia không đạt, tỏ ra họ có yêu cầu thẩm mỹ cao. Mỗi lần như vậy, vị danh họa lại vui vẻ tiếp nhận. Cuối cùng, ông còn nói lời cảm ơn ba vị nữ du khách đó.
Ngày hôm sau, Belloni có việc phải đi đến một địa phương khác. Vừa hay, khi ở nhà ga, ông lại gặp ba vị nữ du khách hôm qua. Ba người họ đang chụm đầu xem và bình luận điều gì đó. Một lát sau, ba vị nữ du khách nhận ra ông, liền tiến lại trước mặt ông và hỏi: “Làm phiền ngài, chúng tôi nghe nói danh họa Belloni đang nghỉ ở địa phương này. Chúng tôi rất ngưỡng mộ tài năng của ông ấy, muốn đến gặp gỡ ông ấy. Xin hỏi ngài có biết ông ấy hiện ở đâu không?”
Danh họa Belloni hơi cúi người về phía ba vị nữ du khách và nói: “Không dám! Tôi chính là họa sĩ Bolleni!” Ba vị nữ du khách nghe xong câu trả lời của vị họa sĩ, nhớ tới những lời nói không lịch sự của mình ngày hôm trước thì cảm thấy vô cùng xấu hổ.
Một người cho dù có tài năng thực sự đi nữa, nhưng nếu vì tài năng của mình mà sinh ra tâm tự mãn, cao ngạo, không ngừng khoa trương bản thân thì rất có thể tài năng sẽ chỉ mang đến cho người ấy nỗi bi ai. “Đại trí nhược ngu”, bậc đại trí thường giả như kẻ ngốc, nhưng ở vào thời điểm cần thiết thì tài trí của họ lại khiến người khác không thể theo kịp.
Người khiêm tốn, ẩn mình, không thể hiện mình tài hoa luôn làm cho người khác kính phục. Trái lại, người cuồng vọng, ngạo mạn lại thường thể hiện mình, cho rằng mình đã thông tỏ mọi điều mà không biết rằng bản thân là một người vô tri, cuối cùng chỉ có thể trở thành trò cười cho thiên hạ.
Nhận xét
Đăng nhận xét