Chuyển đến nội dung chính

Bài học từ Thánh Nhân: Mắt thấy chưa chắc là chân lý, lời hay không hẳn đã thật lòng

 Bài học từ Thánh Nhân: Mắt thấy chưa chắc là chân lý, lời hay không hẳn đã thật lòng

Người ta thường cho rằng những gì mắt thấy tai nghe của mình đều là chân thật, nhưng đôi khi không phải như vậy, hơn nữa nếu không tìm hiểu nội tình sự việc mà chỉ nhìn bề ngoài thì rất có khả năng sẽ đánh giá sai hoặc hiểu lầm người khác. Ngay cả các bậc Thánh Nhân thời xưa cũng có lúc mắc phải sai lầm này.

🔻 Khổng Tử hiểu lầm Nhan Hồi

Một lần Khổng Tử dẫn theo các đệ tử vượt đèo lội suối chu du các nước, khi đến khu vực giữa nước Trần và nước Thái, vì người dân địa phương đang gặp nạn đói, thiếu thốn lương thực, thậm chí ngay cả rau dại cũng không có để ăn. Do vậy liên tiếp trong bảy ngày, thầy trò Khổng Tử đều không có một hạt cơm nào vào bụng, mọi người đành phải ngủ cả vào ban ngày để quên đi cơn đói và duy trì thể lực. 

Một đệ tử của Khổng Tử là Nhan Hồi ra ngoài xin cơm, vất vả lắm cuối cùng cũng xin được một ít gạo, sau khi trở về liền nhanh chóng lấy nồi ra, nhặt một ít củi khô nhóm bếp nấu cơm. 

Lát sau, Khổng Tử xuống bếp định xem Nhan Hồi nấu cơm, nào ngờ ông sững sờ không tin vào mắt mình khi nhìn thấy cảnh Nhan Hồi đưa tay vào trong nồi, lấy một nắm cơm ra, nhìn một lúc rồi bỏ vào miệng mà ăn. Điều này khiến Khổng Tử không khỏi đau lòng, vì Nhan Hồi vốn là người đệ tử nhân từ đôn hậu mà ông rất đắc ý, không ngờ anh lại có hành vi ăn vụng vô lễ như vậy.

Tuy nhiên Khổng Tử không làm kinh động đến Nhan Hồi, ông tự an ủi rằng người đệ tử này quả thật đã quá vất vả rồi, có ăn trước chút cơm cũng không sao, liền không quấy rầy anh mà lặng lẽ xoay người bước ra ngoài.

Một lúc sau, cơm chín, Nhan Hồi bưng một bát cơm đầy ra mời Khổng Tử ăn. Khổng Tử có ý muốn xem Nhan Hồi có thành thật không, bèn nói: “Ta vừa nằm mộng thấy người cha quá cố của mình, nồi cơm này vẫn chưa có ai ăn trước, vậy chúng ta hãy mang ra cúng tổ tiên rồi sẽ ăn nhé”.

Nghe vậy, Nhan Hồi vội vàng ngăn Khổng Tử lại và nói: “Thưa thầy, như vậy không được. Vừa nãy trong lúc nấu cơm, con thấy có tro than bay vào trong nồi, nên đã lấy chỗ cơm đó ra định vứt đi, nhưng nghĩ lại phần gạo này kiếm được không dễ chút nào, vứt đi thì thật đáng tiếc, nên con đã ăn nó rồi. Vì đã ăn trước rồi nên không thể dùng để cúng tổ tiên được nữa”.

Nghe Nhan Hồi nói như vậy, Khổng Tử cảm thấy hổ thẹn với đồ đệ, liền thở dài nói: “Người ta thường cho rằng những gì mình thấy chính là sự thật, nhưng nhiều lúc lại không phải như vậy, giống như nói là làm theo nội tâm, nhưng nội tâm cũng thường tự lừa dối mình, các đệ tử hãy nhớ rằng, để thật sự hiểu một người không phải là điều dễ dàng”.

Khổng Tử cho rằng thật khó để nhìn thấu được một con người, vì ngay cả ông, dù được người đời tôn là “Khổng Thánh Nhân”, mà cũng từng có lúc hoài nghi đệ tử đắc ý nhất của mình.

🔻 Mạnh Tử muốn bỏ vợ

Không chỉ có Khổng Tử, mà Mạnh Tử, người được tôn là Á Thánh của Nho giáo, cũng từng có lần trách lầm người khác.

Một lần sau khi Mạnh Tử đi ra ngoài về thì thấy vợ mình đang ngồi một mình trong nhà. Khi ngồi, hai lòng bàn chân và hông của vợ ông chạm đất, còn hai đầu gối dựng lên, đây là một tướng ngồi rất không tốt và thiếu đứng đắn. Vào đến nhà, thấy vợ như vậy, ông đã vô cùng tức giận, liền quay đầu bỏ đi.

Sau đó, Mạnh Tử nói với mẹ: “Người phụ nữ này rất vô lễ và thiếu tự trọng. Xin mẹ hãy chấp thuận cho con ly hôn với cô ấy”. 

Mẹ ông là Mạnh mẫu nghe vậy thì hết sức ngạc nhiên, nghĩ rằng con dâu mình bình thường cư xử rất tốt, sao bây giờ đột nhiên con trai lại muốn bỏ vợ, liền vội vàng hỏi con: “Tại sao lại như vậy?” 

Mạnh Tử đáp: “Cô ấy ngồi xổm trên mặt đất, rất không đứng đắn. Đã thiếu lễ nghi như vậy, lẽ nào con không nên bỏ sao?” 

Mạnh mẫu liền hỏi: “Làm sao con biết?” Mạnh Tử vẫn chưa nguôi giận nói: “Chính mắt con nhìn thấy”.

Mạnh mẫu thành khẩn nói với con: “Đây là con không đúng rồi. Rõ ràng là con không có lễ nghi, chứ không phải vợ con. Trong “Lễ kinh” có nói: Khi chuẩn bị tiến vào cửa, trước tiên phải hỏi trong nhà có ai không; khi tiến đến phòng khách, trước tiên phải hỏi lớn để những người bên trong nghe thấy; khi chuẩn bị đi vào phòng, mắt phải nhìn xuống. Mục đích của những việc này chính là để người khác kịp chuẩn bị. Vậy mà bây giờ con đi đến chỗ vợ con đang nghỉ ngơi, bước vào nhà thì không có tiếng động. Không ai biết là con đến nên không chuẩn bị trước, vì vậy con mới thấy cô ấy ngồi như vậy. Đó là do con đã không tuân theo nguyên tắc lễ nghi. Vậy mà con còn nói vợ mình thiếu lễ nghi!”

Sau khi nghe mẹ dạy bảo, Mạnh Tử mới nhận ra mình thực sự có lỗi nên đã thành tâm xin lỗi vợ, cũng không bao giờ dám nói đến chuyện bỏ vợ nữa.

🔻 Lão Tử mua hoa mẫu đơn

Lão Tử là một bậc Thánh trong Đạo gia và là tác giả của cuốn “Đạo Đức Kinh” truyền tụng ngàn đời, tuy vậy cũng có lần ông đã đánh giá sai một sự việc.

Một lần, Lão Tử ra ngoài thấy một người bán hoa mẫu đơn, lời lẽ của anh ta vô cùng ngọt ngào dễ nghe, mục đích là để mọi người mua hoa của anh. Lão Tử tưởng lời anh là thật, bèn mua một cây, về nhà cẩn thận vun trồng.

Nhưng thực chất đó không phải mẫu đơn, mà là gốc cây củ gai có hình dạng giống gốc mẫu đơn. Đến khi cây lớn rồi mới lộ rõ nguyên hình, bấy giờ Lão Tử mới biết mình đã bị lừa.

Sau này Lão Tử lại gặp một người bán mẫu đơn khác, vì đã một lần bị lừa nên lần này ông hỏi cẩn thận: “Có đúng là anh đang bán mẫu đơn không?”

Người đó có vẻ bực bội khi bị hỏi như vậy, liền đáp một cách thô lỗ rằng: “Chỉ có đống này, ông muốn thì mua, không mua thì thôi!”

Lão Tử ngạc nhiên vì anh ta không chào hàng của mình bằng những lời dễ nghe, nhưng cũng thử mua về một cây. Sau nhiều ngày chăm sóc, cây quả nhiên nở ra những bông hoa vừa to vừa đẹp, hàng xóm xung quanh nhìn thấy đều trầm trồ khen ngợi, đúng thật là mẫu đơn. Lão Tử rất mừng, bèn kể cho mọi người nghe câu chuyện hai lần mua mẫu đơn của mình.

Sau này, Lão Tử đã viết hai câu “Lời hay thì không thật, lời thật thì không hay” vào trong tác phẩm Đạo Đức Kinh, nhắc nhở con người thế gian rằng: Những lời hoa mỹ dịu ngọt chưa chắc đã là lời thật lòng, mà lời thật lòng thì thường rất mộc mạc trần trụi.

Lời kết

Ba câu chuyện ngắn về ba vị Thánh Nhân là Khổng Tử, Mạnh Tử và Lão Tử này đã nói lên một đạo lý rằng: Dù có tận mắt chứng kiến ​và chính tai nghe được ​cũng chưa chắc đã là sự thật, không thể chỉ nhìn bề ngoài của sự việc, mà quan trọng hơn là phải nhìn được bản chất bên trong của nó. Mà nếu muốn nhìn được bản chất của sự việc, thì không nên vội vàng đưa ra khẳng định dựa trên những phỏng đoán chủ quan của mình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Ý nghĩa “Nhất mệnh – Nhì Vận – Tam Phong Thuỷ – Tứ Âm Phúc – Ngũ Tri thức”

  Theo quan niệm của những sách cổ học thuật số Phương Đông xưa có câu: “Nhất mệnh, nhì vận, tam Phong Thuỷ, tứ âm phúc, ngũ tri thức”. Câu này ý nghĩa như thế nào? Nghĩa là số mệnh là yếu tố quyết định toàn cục cuộc đời của một con người, tiếp đến là ảnh hưởng của thời vận, thứ ba là ảnh hưởng của phong thủy. Nói cách khác, số mệnh và sinh ra gặp thời là yếu tố tiền định thuộc tiên thiên; phong thủy là hậu thiên, được quyết định bởi hành vi của đương số và sự điều chỉnh môi trường sinh sống. Ngay từ lúc con người sinh ra đã được trời ban cho một “Số mệnh”, từ trong “mệnh” đó sẽ diễn sinh ra “vận” để chi phối cuộc sống sau này. Mệnh là sinh ra đã có sẵn, không thuộc phạm vi khống chế của bản thân, ví dụ như xuất thân, tướng mạo, cá tính, số lượng anh chị em,…, đó chính là “số mệnh” tiên thiên không thể thay đổi được, nên người xưa bình thản tiếp nhận và chấp nhận sống chung với nó. Căn cứ vào lý luận của Tử Vi Đẩu số, Tử Bình, Bát Tự Hà Lạc,… cuộc đời thực tế của con người là được ...

Cứ để mọi chuyện thuận theo tự nhiên

  Có những thứ ở trên đời nếu thuộc về bạn, thì cuối cùng sẽ là của bạn; ngược lại, thứ không phải của bạn, thì dù có cố tranh giành nó cũng sẽ tự rời xa… Trong tình yêu cũng thế, bạn phải hiểu, thứ bạn yêu không phải đoạn thời gian kia, không phải người ấy khiến bạn nhớ mãi không quên, cũng không phải yêu cái khoảng thời gian đã từng trải qua, bạn yêu chỉ là cái phần non trẻ nhưng vẫn chấp mê bất ngộ của chính mình. Hãy học cách bình thản với đời, thuận theo tự nhiên chính là một loại phúc. Mặc kệ mọi người trên thế giới nói gì, ta đều nhận thức việc làm của bản thân mình mới là đúng đắn Cuộc sống của chúng ta, không phải vì lấy sự ưa thích của người khác mà tồn tại, chúng ta là tự do tự tại, không cần phải đòi hỏi ai yêu thích mình, có thể vui vẻ mà lưng đeo đại địa, mặt hướng trời xanh. Chỉ cần bạn hiểu được điều này, gông xiềng đã bị phá bỏ, bạn có thể tự do mà hít thở. Nếu như đứng trước người mà bạn yêu mến, điều bạn cần làm là bày tỏ lòng mình; nếu bạn kết hôn với một người,...

Ai rồi cũng sẽ đổi thay, chỉ là nhanh đến mức choáng váng, hoặc là chậm đến mức không nhận ra

  Nếu một ngày nào đó, người mà bạn cho là rất rất quan trọng, chỉ nhìn bạn với ánh mắt vô hồn và im lặng kể cả khi bạn có rất nhiều điều muốn nói. Nếu như trong khoảnh khắc chông chênh đó, bạn cũng chọn lấy cách im lặng. Vậy thì dấu hiệu đầu tiên của sự đổi thay đã xuất hiện. Khi mới bắt đầu, ai cũng đều kinh ngạc cho những điều không dễ dàng thay đổi. Đến khi trưởng thành, có chăng cũng chỉ là quen với việc giấu đi cảm xúc, giấu nhẹm đi những hụt hẫng khi niềm tin lại rơi mất. Và rồi sẽ có một ngày nào đó, ngày của hôm qua gần tựa như cơn mơ, nhạt nhòa. Rồi ai cũng sẽ thay đổi. Cuộc sống đó là một vòng luân chuyển. Ánh sáng bóng tối thay phiên nhau. 4 mùa xuân hạ thu đông cũng lần lượt sẽ thay đổi cho nhau. Vốn dĩ không có cái gì sẽ đứng yên tại một chỗ. Và ngay bản thân ta lớn lên cũng phải chấp nhận rằng trái đất cũng di chuyển vậy thì làm gì có khái niệm mãi mãi. Thứ có thể mãi mãi tồn tại đó chính là kỷ niệm, bởi nó là một phần ký ức của ta chẳng thể xóa nhòa. Một đôi giày, l...