Cách nuôi dạy con thành tài của người xưa
Người xưa có nhiều cách nuôi dạy con rất đáng để người ngày nay suy ngẫm.
Trong cuốn ‘Cựu Ngũ Đại sử – Lưu Tán truyện‘ có chép, Lưu Tán, đại thần nhà Hậu Đường vào thời Ngũ Đại, người Ngụy Châu (huyện Ký, Hà Bắc ngày nay). Ông xuất thân từ tiến sĩ, vào triều làm quan, nhiều lần đảm nhiệm chức Trung thư xá nhân, Ngự sử trung thừa, Hình bộ thị lang. Lưu Tán làm quan, không thiên vị tình riêng, không a dua xu nịnh, nổi danh là người chính trực nghiêm minh.
Lưu Tán thành tài, không thể không nhắc đến sự giáo huấn nghiêm khắc của cha ông là Lưu Tần đối với ông. Khi Lưu Tán còn nhỏ, cha ông đang nhậm chức huyện lệnh. Yêu cầu của vị quan này đối với con trai là vô cùng nghiêm khắc. Khi Lưu Tán vừa đến tuổi đi học, cha ông liền dạy ông đọc những quyển sách cổ như “Thi Kinh”, “Thượng Thư” (Những sách này, nhìn từ thời hiện đại ngày nay thì chữ nghĩa vô cùng uyên thâm, nhưng lại là sách giáo khoa ắt phải học từ nhỏ của người xưa).
Để khích lệ con trai tốt hơn, Lưu Tần lại còn đặc biệt cho con trai mặc áo vải xanh mà những người đọc sách thời xưa mặc (vào thời đại phong kiến xưa, khi còn chưa có chế độ thi cử, người đọc sách mặc áo xanh; đến khi có chế độ thi cử, thì sau khi thi đậu tú tài, mới có thể mặc áo vải xanh).
Mỗi bữa mà hai cha con cùng ăn cơm, Lưu Tần tự mình ăn các món thịt trên mâm cơm, và luôn chuẩn bị một vài món khác như dưa cải cho con trai ăn. Ông nói với con trai rằng: “Món thịt là bổng lộc triều đình ban cho cha, là tự bản thân cha kiếm được. Nếu như con cũng muốn ăn thịt, thì cần phải chuyên cần đọc sách, sau này nhất định cũng có thể tự mình kiếm một phần bổng lộc, vậy thì có thịt ăn rồi. Bổng lộc của cha, không phải là thứ để con thừa hưởng”.
Lưu Tần dùng phương pháp như vậy để giáo huấn, khích lệ con trai. Có người nhìn thấy thế sẽ cảm thấy cách làm này có phần không hợp tình người, nhưng đối với Lưu Tán đã khởi tác dụng khích lệ rất lớn.
Lưu Tán dưới sự rèn giũa bởi phương pháp giáo dục này của cha mình, học hành hết sức chuyên cần. Khi ông hơn 20 tuổi, thì tài năng văn chương đã vô cùng đặc biệt. Đến hơn 30 tuổi, đã thi đậu tiến sĩ.
*****
Người hiện đại ngày nay khi đọc câu chuyện này, rất nhiều người có thể sẽ không đồng tình với phương pháp giáo dục con của Lưu Tần, cho rằng thật quá khắt nghiệt. Tuy nhiên, câu chuyện cũng thật đáng để chúng ta phải suy ngẫm.
Các bậc cha mẹ ngày nay dường như đã quá cưng chiều con cái mình, biến những đứa trẻ trở thành những cậu ấm cô chiêu. Hơn nữa, cha mẹ ngày nay cũng hàng ngày ra sức “làm trâu làm ngựa” kiếm thật nhiều tiền tài, bổng lộc, với mục đích “để lại cho con mình thừa hưởng”. Như vậy, cha mẹ vô hình chung đã khiến những đứa trẻ trở thành những kẻ vô dụng, chỉ biết ỷ lại, trông chờ vào tài vật của cha mẹ, mà không có ý thức trách nhiệm với chính bản thân mình.
Vậy nên, câu nói của Lưu Tần dạy con “Bổng lộc của cha, không phải là thứ để con thừa hưởng”, quả rất thâm thúy, sâu xa.
Nhận xét
Đăng nhận xét