Truyện cổ Phật gia: Thế gian có 4 sự tình không thể dài lâu
Vào thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu luyện dưới cội bồ đề, chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt thương tâm của người cha và con gái, Ngài bèn giảng ra 4 đạo lý khiến người đàn ông lập tức giác ngộ: “Điều gì ắt cũng có tận cùng; cao rồi cũng rơi xuống thấp; hợp rồi sẽ có ly; sống ắt sẽ có chết”.
Chuyện kể rằng có một đôi vợ chồng Bà La Môn nọ sinh hạ được một cô con gái rất xinh đẹp, dáng vẻ đoan chính, thông minh lanh lợi. Không những vậy nàng còn có tài ăn nói, không ai trong vương quốc này có thể bì kịp.
Ai ai cũng ngưỡng mộ đôi vợ chồng quả là có phúc phận mới sinh ra được một cô con gái tài sắc vẹn toàn như vậy.
Thế nhưng năm nàng 14, 15 tuổi, bỗng mắc phải bạo bệnh. Cha mẹ nàng lo lắng chạy đôn đáo khắp nơi tìm kiếm thầy thuốc tài giỏi để chữa trị, nhưng ai cũng lắc đầu. Kết quả không lâu sau thì nàng qua đời trong sự thương tiếc của rất nhiều người.
Đau khổ nhất là vợ chồng Bà Là Môn, họ rất mực yêu thương đứa con này, thậm chí đến tính mạng cũng chẳng màng. Buồn vui cực khổ gì cũng được, chỉ cần được nhìn thấy con gái thì khó nhọc nào cũng tan biến.
Ấy thế mà hiện tại phải tận mắt chứng kiến đứa con gái còn quá trẻ của mình qua đời. Cặp vợ chồng đau khổ tột cùng, không sao kể xiết, ngày nào họ cũng khóc lóc thảm thiết. Người cha vì thương nhớ con quá độ mà thậm chí hóa điên, ngày ngày lang thang khắp nơi, thần trí không còn tỉnh táo.
Đến một ngày nọ, trong lúc ông đang lang thang, thì bất chợt đi lạc vào nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang cư ngụ.
Vừa nhìn thấy Đức Phật thì thần trí ông đột nhiên tỉnh táo trở lại, ông lập tức hướng về phía Ngài mà cung kính quỳ lạy.
Gặp được Đức Phật, ông vừa mừng vừa tủi, dáng vẻ đau khổ, ông vừa cầu xin Đức Phật, vừa khóc nghẹn ngào, khiến ai nghe thấy cũng đều không kìm được nước mắt mà lệ ướt cả tay áo.
Ông cầu xin Đức Phật rằng: “Thưa Đức Phật, con không có con trai, chỉ có mỗi đứa con gái này, con yêu quý nó như châu như ngọc, khiến cho con quên hết mọi buồn phiền.
Thế nhưng đứa trẻ này bỗng nhiên lâm bệnh nặng, ngay trước mặt con đã ra đi, kêu không tỉnh, gọi không đáp, hai mắt nhắm lại, thân thể lạnh dần, hơi thở cũng không còn. Mặc cho con kêu trời trời không thấu, gọi đất đất không linh, buồn bực trong lòng, thống khổ không cách nào hình dung, khó mà nhẫn nại, mong Thế Tôn giải khai ưu sầu của con”.
Đức Phật nghe xong, bằng sự từ bi vô hạn, Ngài nói với ông rằng: “Thế gian này có 4 sự tình là không thể tồn tại vĩnh cửu: Một, có hữu thường tất có vô thường. Hai, phú quý sẽ không thể bền lâu. Ba, có tương phùng ắt có biệt ly. Bốn, khỏe mạnh tất có ngày già chết”.
Một, có hữu thường tất có vô thường
Điều này nghĩa là, phàm thế gian tồn tại bất kể sự vật gì đều không thể vĩnh viễn bảo trì được trạng thái ban đầu. Thuận theo thời gian bản chất của nó sẽ dần bị cải biến, đến cuối cùng thì không còn gì nữa.
Cũng giống như thân thể người, đều phải trải qua quá trình “sinh – lão – bệnh – tử”, cuối cùng hóa hư vô, không còn tồn tại trên thế gian này. Kể cả núi, sông, mặt đất, trái đất, hay cả vũ trụ cũng không cách nào vượt khỏi tiến trình bất biến “thành – trụ – hoại – diệt”.
Hai, phú quý sẽ không thể bền lâu
Một người dù có đại phú đại quý đến đâu, thì khi đi đến tiến trình cuối cùng của sinh mệnh, tất cả cũng vụt xa khỏi tầm tay.
Tục ngữ có câu: “Không ai giàu ba họ”, đối với kẻ phàm phu tục tử thì điều này quả đúng lắm, bởi để kéo dài được lợi ích mãi mãi, thì họ sẽ vô tình hay hữu ý mà làm hại đến người khác, không khéo còn làm chuyện tày trời, lưu lại hậu quả cho con cháu đời sau.
Vậy nên để có thể bảo trì được phú quý đời đời cho con cháu thì cần phải làm việc thiện, tích đức.
Ba, có tương phùng ắt có biệt ly
Không có bữa tiệc vui nào mà không tàn, họ hàng thân thuộc dẫu có sống cùng nhau, bằng hữu thân tình dẫu có thường xuyên lui tới thăm hỏi, rồi một ngày cũng phải nói lời ly biệt.
Cổ nhân có câu “Không có nhà nào không tan, không có quốc gia nào không bại” tất có đạo lý của nó.
Con cái lớn lên rồi cũng rời khỏi quê hương kiếm kế mưu sinh, để lại cha mẹ già một mình nơi cố hương. Kể cả có sống cùng nhau, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận cảnh sinh ly tử biệt, chẳng có điều gì là vĩnh viễn.
Bốn, khỏe mạnh tất có ngày già chết
Bất kể tuổi trẻ có tráng kiện thế nào, thì người đó thời thời khắc khắc đều có thể đối diện với cái chết. Giả sử có trường thọ, thì cũng trong một khoảng thời gian nào đó của đời người, rồi cũng phải ra đi vì tuổi già, nào có thể trường sinh bất tử?
Vậy nên, bất kể người đó là ai, thì cũng có thể bị cái chết uy hiếp. Cho nên con người thuở sinh thời đều cần tranh thủ giải quyết sớm chuyện hậu sự, có như vậy dẫu là sống hay chết cũng cảm thấy an lòng.
Đức Phật sau khi nói xong 4 câu, thì tâm của vị Bà La Môn dường như được minh tỏ. Ông không còn thấy đau khổ nữa, sau cùng quy y nơi cửa Phật, ngày ngày tu luyện, quan sát sự vô thường của thế gian, cuối cùng tu thành La Hán.
Nhận xét
Đăng nhận xét