Đạo trời rất công bằng: Tiểu nhân tất có tiểu nhân trị
Thế nào là quân tử, thế nào là tiểu nhân? Để đánh giá được điều này thì có rất nhiều cách khác nhau, nhưng nói chung lại, làm việc thiện thường là quân tử, làm việc ác tất là tiểu nhân.
Nói cách khác, nếu hỏi ai là quân tử, thì chính là người khi gặp chuyện liền chịu thiệt; nếu hỏi ai là tiểu nhân, chính là kẻ gặp chuyện liền hám lợi. Chúng ta đã nghe rất nhiều đạo lý để phân biệt rõ kẻ tiểu nhân, vậy mà vẫn có lúc tranh đấu với họ. Trong cuộc sống cũng như thế, làm rõ sai trái thì dễ, trừng phạt cái ác đề cao cái thiện mới khó.
🔻 Với kẻ ác, người sợ nhưng trời không sợ
Tiểu nhân thì cũng là trời đất sinh ra, trông mong bọn họ tự nhiên biến mất chăng? Điều đó là không thể. Như vậy chẳng lẽ cứ tranh cãi với bọn họ cho đến cùng ‘bên sứt càng bên gãy gọng’, như thế mà là sáng suốt hay sao? Tất nhiên là không phải rồi!
Đối với tiểu nhân thì biện pháp tốt nhất là: Không chấp nhặt với họ. Mọi người thường hay nói đùa: “Bị chó cắn cũng không thể cắn lại được”.
Cũng đạo lý đó, khi bị tiểu nhân ghen ghét, nếu chúng ta cũng làm y như họ, như vậy thì chúng ta có khác gì là tiểu nhân đâu? Tục ngữ nói: “Quân tử không đấu với tiểu nhân, kẻ ác tất có kẻ ác trị”.
Tiểu nhân mà nham hiểm, cũng luôn có người có thể trừng trị bọn họ. Tiểu nhân mà giảo hoạt, cũng chạy không thoát được sự ràng buộc của pháp luật, sự lên án của đạo đức. Bởi thế mới có câu vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Sự tình trên đời, vốn là do luật nhân quả điều khiển.
Tương truyền, thời xưa có hai vị cao tăng, một vị gọi là Hàn Sơn, một vị gọi là Thập Đắc. Hàn Sơn tu hành ở trong thành phố, thường xuyên vô cớ bị kẻ ác lừa gạt, khinh mạn, liền hỏi Thập Đắc rằng: “Thế gian có người phỉ báng ta, bắt nạt ta, nhục mạ ta, chê cười ta, khinh thường ta, coi rẻ ta, ác độc với ta, lừa gạt ta, xử trí như thế nào đây?”
Thập Đắc đáp: “Chỉ cần nhẫn nhịn hắn, nhượng bộ hắn, tránh xa hắn, không để ý tới hắn, đợi thêm vài năm, ông thử nhìn lại hắn xem thế nào”.
Làm nhiều việc bất nghĩa chính là tự hủy con đường nhân sinh của mình. Làm nhiều chuyện xấu sẽ khiến cho sắc mặt của tiểu nhân trở nên xấu xí, thô bỉ, sớm muộn gì rồi cũng bị người khác nhìn thấu. Chúng ta nên học cách làm bạn với quân tử, chứ không phải lãng phí sinh mệnh quý giá mà dây dưa với tiểu nhân.
🔻 Với người thiện, người khinh nhưng trời chẳng khinh
Quân tử vì sao “đấu không lại” tiểu nhân? Là vì: Quân tử ở ngoài sáng, tiểu nhân ở trong tối; quân tử nói đạo lý, tiểu nhân ngụy biện; quân tử lời nói đi đối với việc làm, tiểu nhân bằng mặt không bằng lòng; quân tử nghiêm khắc kiềm chế bản thân, tiểu nhân ám toán người khác; quân tử lấy đại cục làm trọng, tiểu nhân vì việc tư mà làm hỏng việc công; quân tử làm đến nơi đến chốn, tiểu nhân làm giả dối; quân tử bụng dạ thẳng thắn, tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi.
Tục ngữ nói: “Con ruồi không đậu trên một quả trứng còn nguyên”. Quân tử giữ mình đoan chính, đó là đi cho chính, ngồi cho ngay thẳng. Cúi đầu và ngẩng đầu không thẹn với trời, việc làm suy nghĩ không thẹn với lương tâm.
Trước mặt bậc chính nhân quân tử, tiểu nhân không giở được thủ đoạn nào cả, căn bản là không có đất để dụng võ. Bởi vậy nhìn thì thấy người tốt chịu thiệt, thực tế là đạo trời công bằng, đã có luân hồi.
Người đang làm, trời đang nhìn, người thiếu nợ bạn, trời sẽ khiến họ trả cho bạn. Đức hạnh của người quân tử, tựa như vầng thái dương trên bầu trời, chiếu đến thế gian đen tối không chỗ nào bỏ sót. Không chỉ chiếu sáng người khác, mà còn sưởi ấm chính mình.
Tăng Tử viết: “Người lương thiện, phúc dù chưa đến, họa đã rời xa”. Lương thiện chính là bùa hộ mệnh của bạn. Bỏ lòng tham, thì không gây tai họa; trừ đi ham muốn cá nhân, liền rời xa thị phi; gieo thiện lành sẽ đắc được thiện quả.
Một thiện niệm khởi lên, phúc báo cuồn cuộn đến. Phúc báo không ở đâu xa mà chính là ở sự tu hành của bản thân. Thiện ác được mất cuối cùng đều sẽ có báo, căn bản là do sự lựa chọn của mỗi chúng ta.
Hãy đối mặt với chính bản thân mình, “Chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy điều ác nhỏ mà làm”. Đối mặt với nhân thế, “Thiện ác đều có trời làm chứng, người thiện người khinh nhưng trời chẳng khinh”.
Nhận xét
Đăng nhận xét