Trong cuộc đời, nhiều khi “biết dừng” mới là trí tuệ sáng suốt
Đời người không phải chỉ có “tiến thủ” mới có thể đạt được thành công, rất nhiều khi, trong rất nhiều việc, “biết dừng” mới là nhân tố trọng yếu khiến người ta đạt được thành tựu lớn hơn. Bởi thế “biết dừng” cũng là một loại dũng khí, một loại trí tuệ sáng suốt.
Trong cuộc sống, chúng ta thường được cha mẹ, thầy cô, đồng nghiệp, anh chị em bạn bè bảo rằng phải hăng hái, mạnh dạn, tiến thủ, phấn đấu không ngừng thì mới có thể đạt được thành tựu, đạt được mục đích. Kỳ thực dám nghĩ dám làm là ý chí, là tinh thần cần phải có để hướng đến thành công. Nhưng trong cuộc sống, không phải hết thảy sự tình đều cần phải tiến, phải tranh thì mới đạt được. Có rất nhiều sự tình có tranh rồi cũng mất, có đấu rồi cũng không đạt được, thậm chí đạt được rồi lại nhanh chóng mất đi. Do vậy người ta không thể chỉ biết nỗ lực, mà cũng cần phải có điểm dừng.
Trong Hậu Hán Thư có ghi lại chuyện về một nhà Nho, một tác gia, một nhà sử học nổi tiếng thời Đông Hán tên là Mã Dung. Chuyện kể rằng khi Mã Dung dự định viết bản chú giải cho tác phẩm Lã Thị Xuân Thu thì ông biết được trước ông đã có hai người thực hiện điều này là Giả Quỳ và Trịnh Chúng. Cả hai đều là những học giả nổi danh thời Đông Hán. Vì thế thay vì viết, Mã Dung đã tìm kiếm các bản chú giải của họ để đọc và nghiên cứu.
Sau khi nghiên cứu cả hai bản chú giải một cách kỹ càng, Mã Dung tự nhận thấy bản thân ông không thích hợp để viết chú giải cho Lã Thị Xuân Thu. Ông đánh giá rằng: “Bản chú của Giả Quỳ tinh thâm nhưng thiếu uyên bác, bản chú của Trịnh Chúng uyên bác nhưng thiếu tinh thâm. Cần phải viết được bản chú vừa tinh thâm vừa uyên bác, nhưng dựa vào trình độ của bản thân ta thì sao có thể vượt qua hai vị ấy được?”
Thế là Mã Dung quyết định bỏ ý định viết bản chú giải cho tác phẩm Lã Thị Xuân Thu và chuyển sang viết tác phẩm Tam truyện dị đồng thuyết. Sau đó ông viết bản chú cho hai tác phẩm là Hiếu kinh và Ly tao. Về sau này các tác phẩm của Mã Dung trở thành những thành tựu văn hóa to lớn, góp phần làm phong phú sâu rộng thêm di sản văn hóa của người xưa.
Nếu như nói tiến thủ là sự hăng hái mạnh dạn thì “biết dừng” lại là trí tuệ. Sự buông bỏ, biết dừng lại đúng lúc của Mã Dung không chỉ cần phải có sự sáng suốt, mà còn cần có dũng khí, cần có trí tuệ và khả năng nhìn xa trông rộng, biết mình biết người.
Đạo Đức Kinh viết rằng: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, nghĩa là biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy, do đó mới được lâu dài trường cửu. Người minh trí cần có khả năng nhận thức được những hậu quả mà sự truy cầu quá mức mang đến, và kịp thời chỉnh sửa hành vi của bản thân mình. Chỉ những người như vậy mới có được sự sung túc lâu dài và an vui thực sự.
“Biết dừng” không phải khuyên bảo con người vứt bỏ đi ý chí tiến thủ, không phải khuyên con người phải bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại, mà là khuyên con người cần phải biết suy xét khi nào nên làm thì làm, khi nào nên dừng thì dừng. Nhân sinh luôn chứa đựng rất nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng rất nhiều cạm bẫy, chứa đựng rất nhiều thuận lợi nhưng cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro, vì vậy làm việc cần có hạn độ. Hơn thế nữa, khi người ta làm việc còn cần có lương tâm, còn cần có sự bao dung, hòa ái, chừa cho người khác khoảng trống, không đẩy sự tình đến chỗ quá tuyệt tận.
Trong cuộc sống, có một số người bởi vì không “biết dừng” mà nhận lấy thất bại. Có người khi chiếm lý thì không biết buông tha, cuối cùng lại nhận lấy sự chán ghét của mọi người. Có người tài hoa nhưng lại kiêu ngạo, cuối cùng vô cớ mà nhận lấy biết bao thị phi. Có người giàu có thích khoe của, nên dẫn đến đại họa. Có người tích lũy làm ăn được rất nhiều tiền, nhưng chỉ vì một lần mù quáng mà tài sản tiêu tán. Còn có không ít người cậy quyền cậy thế, không chống cự nổi cám dỗ của tiền bạc, sắc dục, lòng tham, cuối cùng khi phúc hưởng tận rồi thì họa cũng theo đó mà kéo đến không dứt. Tất cả những điều này đều không nằm ngoài lý nhân quả, không nằm ngoài “vật cực tất phản”, “cực thịnh tất suy”.
Trí tuệ của con người không thể hiện ở việc đi băng băng trên đường đời, mà thể hiện ở việc biết lúc nào đi, lúc nào dừng. Công thành danh toại đương nhiên là điều nhiều người mong mỏi, nhưng nhất thiết không thể “bỏ gốc lấy ngọn”, hy sinh phẩm giá và lương tri để có được nó.
Nếu một người hiểu được biết dừng, dành thời gian ăn chơi thâu đêm để nghỉ ngơi thì sinh mạng tuổi trẻ sẽ không dễ dàng bị rút cạn. Nếu một người hiểu được biết dừng, không tìm kiếm sắc dục bên ngoài thì gia đình sẽ không tan nát. Nếu một người hiểu được biết dừng, thay vì liều mình kiếm tiền, dành một chút tinh lực để giáo dưỡng con cái thì sẽ không dẫn đến việc “tỉnh ra thì đã muộn”. Một người hiểu được biết dừng, đối với danh lợi sẽ bình tĩnh hơn một chút, đối với được mất sẽ thản nhiên hơn một chút, vậy nên sẽ không mù quáng mà rước họa vào thân.
Biết dừng là trí tuệ, là nhìn xa trông rộng. Thành công có thể đạt được “tiến thủ”, nhưng không thể có thành tựu, bình an và khoái hoạt nếu không “biết dừng”.
Nhận xét
Đăng nhận xét