9 phẩm chất đặc trưng của một người cao quý
Người ta nói rằng làm người là một môn học mà có dùng cả cuộc đời cũng không học hết được. Nhưng chỉ cần nguyện ý thì ngày hôm nay chúng ta sẽ tốt hơn ngày hôm qua, ngài mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay… dần dần chúng ta sẽ trở thành một người có tu dưỡng, có phẩm chất cao quý.
Người ta có rất nhiều điều phải hoàn thiện, phải “tu tâm dưỡng tính”, dưới đây là 9 điều cần tu dưỡng cũng là 9 đặc trưng của một người có phẩm chất cao quý.
🔻 Không cho mình tài giỏi hơn người
Người ta nói rằng: Trên bầu trời còn có bầu trời khác, người tài giỏi còn có người tài giỏi hơn. “Tĩnh lặng thì mới nhìn được xa”, nếu một người trong tâm lúc nào cũng tự cao tự đại, dùng ánh mắt nhìn xuống với người này người khác, thì sẽ khó có thể tĩnh tại mà nhìn xa được.
Một người tài đức ra sao, giỏi giang như thế nào, không cần bản thân nói ra thì người khác cũng sẽ tự biết. Người khiêm tốn thì luôn luôn được lòng người. Bởi vậy không tự cho mình tài giỏi hơn người là thể hiện của một người có trí tuệ, của một người cao quý.
🔻 Không tùy tiện hứa hẹn
Có câu rằng gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt vận mệnh. Trong cuộc đời này, thói quen là yếu tố tạo nên cách một người sinh sống. Một người mù quáng, tùy tiện hứa hẹn nhiều thì sẽ dễ trở thành người giả dối, không đáng tin, thậm chí còn tạo thành hậu quả khó vãn hồi.
🔻 Không tùy tiện làm phiền người khác
Nếu có thể xem bản thân mình là một người khác, bạn sẽ giảm bớt được nỗi thống khổ mình đang chịu. Nếu xem người khác là mình, bạn sẽ biết đồng cảm với nỗi bất hạnh của người khác. Nếu bạn xem người khác là họ thì sẽ biết tôn trọng sự độc lập, không xâm phạm người khác. Nếu xem mình là mình thì sẽ quý trọng bản thân, vui vẻ sống.
Trong mắt bạn có thể điều gì đó là một loại đau khổ, nhưng đối với họ đó lại là cả một niềm hạnh phúc. Cho nên, đừng tùy tiện nhìn nhận người khác theo con mắt chủ quan của mình, và cũng đừng tùy tiện làm phiền đến họ.
🔻 Không tùy tiện áp đặt người khác
Người ta nói rằng đời người có ba loại cảnh giới. “Xem núi là núi, xem nước là nước” thì đó chính là khởi đầu. “Xem núi không phải là núi, xem nước không phải là nước” thì đó là trí tuệ của tuổi trung niên. Xong rồi “xem núi vẫn là núi, xem nước vẫn là nước”, đó là người đã quay trở về nguyên sơ rồi. Điều ấy để nói rằng trân trọng sự khác biệt của sinh mệnh, không áp đặt người khác chính là một sự thiện lương, là lòng bao dung cao thượng của một người cao quý.
🔻 Không giễu cợt, châm chọc người khác
Làm tổn thương nhân cách người khác thì có thể đạt được mục đích nhất thời nhưng sẽ mang vết thương suốt đời. Giễu cợt, chế nhạo người khác thì chỉ nhất thời thỏa mãn tâm ngạo mạn của bản thân, còn tự vấn tự suy xét lại mình mới khiến tâm tính bản thân thăng hoa lên được. Trách cứ mình nhiều hơn, trách cứ người ít hơn, hay nói cách khác chính là đối với bản thân mình phải nghiêm khắc yêu cầu còn đối với người phải rộng lượng khoan dung. Những người có hàm dưỡng đều hiểu được đạo lý này.
Ngoài ra, để vượt qua tâm lý giễu cợt này, hãy nuôi dưỡng nội tâm biết ơn. Trên thế giới này, sinh mệnh vốn là dựa vào nhau để sinh tồn. Cho nên ai cũng cần phải học được biết ơn người khác. Chúng ta cảm ơn thiên nhiên đã ban phúc, cảm ơn cha mẹ đã dưỡng dục, cảm ơn sự bình yên của xã hội, cảm ơn hương vị của đồ ăn, cảm ơn sự ấm áp của quần áo, cảm ơn nghịch cảnh…
🔻 Không tức giận tùy tiện
Khi lửa giận bốc lên sẽ che mờ lý trí của người ta, khiến người ta dễ dàng mắc sai lầm. Chỉ có buông bỏ tư tâm, trong lòng mới không bất bình oán hận, cơn nóng giận mới bị tiêu trừ từ trong trứng nước. Hơn nữa nóng giận còn có nhiều tác hại, thân thể tổn thương một thì tình cảm sẽ tổn thương hai.
Chỉ những người có tu dưỡng mới có thể tiết chế được cảm xúc của bản thân, không hề nóng giận trước bất kể sự việc gì. Cũng bởi vì không nóng giận nên mọi việc người đó làm đều là lý tính, có thể tỉnh táo đánh giá tình hình và đưa ra phương án sáng suốt.
🔻 Không cắt ngang lời nói của người khác
Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hàng chục năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng. Về sau này, khi càng nói nhiều, khoảng cách giữa con người lại càng xa cách hơn, mâu thuẫn cũng nhiều hơn.
Nói nhiều tất sẽ nói lỡ, im lặng là vàng, lắng nghe là thể hiện của trí tuệ, là thể hiện của sự tôn trọng, là một loại tu dưỡng, một nhịp cầu nối giữa tâm linh với tâm linh.
🔻 Không tự khép kín bản thân
Giúp đỡ người khác là một loại cao thượng, hiểu cho người khác là một loại độ lượng, tha thứ cho lỗi lầm của người khác là một loại đạo đức vô cùng cao đẹp. Khi xảy ra việc gì, đừng tự khép kín bản thân mình, hãy mở lòng, đi làm những việc này để thành tựu bản thân mình và thành tựu người khác.
🔻 Không ức hiếp người yếu hơn mình
Cổ nhân có câu: “Đạo tặc cũng phải có đạo”, nghĩa là làm kẻ cướp cũng có những nguyên tắc riêng. Một trong những nguyên tắc đó chính là không thừa cơ ức hiếp người yếu, người lương thiện. Người thích ức hiếp kẻ yếu ở một phương diện nào đó còn không bằng kẻ cướp.
Đồng cảm với người yếu hơn mình là thể hiện của đức hạnh. Người có một phần độ lượng, thì sẽ có nhiều thêm một phần khí chất, một phần thiện duyên tốt đẹp.
Nhận xét
Đăng nhận xét