Bốn phương diện hành xử cần quan sát trước khi kết giao
Cổ ngữ nói: “Kết bạn phải kết tâm”, muốn có được một người bạn thực sự tốt cần phải tìm hiểu, quan sát ngôn hành cử chỉ của người ấy để có sự hiểu biết nhất định về người ấy trước khi kết giao. Dưới đây là bốn phương diện cơ bản thể hiện rõ nhất tính cách, đạo đức của một người, cho thấy người ấy có đáng giá kết bạn lâu dài hay không.
🔻 Sở thích
Thời nhà Tấn, có một người đàn ông tên là Vương Võ Tử rất am hiểu về tập tính của loài ngựa. Có thể nói anh ta là một người có sở thích tìm hiểu về ngựa. Một hôm, anh ta dắt một con ngựa qua sông nhưng con ngựa ấy một mực không chịu xuống nước. Anh ta liền hiểu ra rằng con ngựa sợ ướt yên nên đã cởi yên ngựa ra, quả nhiên con ngựa liền xuống nước.
Tấn Vũ Đế sau khi biết chuyện này, cười hỏi đại thần Đỗ Dự đang ngồi cạnh mình rằng: “Ông mê thích điều gì?”
Đại thần Đỗ Dự đáp: “Thần mê thích ‘Tả truyện’.”
“Tả truyện” là một tác phẩm kinh điển thời cổ đại, được coi là khuôn mẫu về văn chương, lại hàm chứa nhiều bài học lịch sử. Do đó có một vị quan đại thần yêu thích “Tả truyện” được xem là điều đáng mừng.
Người xưa rất xem trọng sở thích của một người. Bởi vì từ sở thích của một người, họ có thể biết được phần nào tính cách, phẩm đức của người đó. Hơn nữa trong kết giao, nếu hai bên có cùng niềm đam mê sở thích thì sẽ dễ dàng đàm đạo cùng nhau, cho nhau ý kiến hữu ích và càng đi càng gần đích. Ví như những người yêu thích chơi cờ sẽ làm bạn cùng nhau, những người yêu thơ sẽ làm bạn cùng nhau… Đây cũng chính là điều mà cổ nhân gọi là “Vật họp theo loài, người phân theo nhóm”.
Ngoài ra tục ngữ nói: “Nhân vô phích, bất khả giao”, người không có sở thích thì không thể kết giao. Một người đối với sự vật gì cũng không cảm thấy hứng thú thì chẳng có gì đáng để kết giao. Tất nhiên khi kết giao cũng cần phải xét xem sở thích của người mà mình muốn kết giao có thích hợp, chính đáng không. Nếu kết giao với một người có sở thích bất lương thì chúng ta đang tự phá hủy tương lai, cuộc đời của mình.
🔻 Đối đãi với cha mẹ
Muốn kết giao với một người thì cần phải xem người ấy đối xử với cha mẹ mình như thế nào, có phải là một người hiếu kính với cha mẹ hay không. Thời cổ đại, có một người tên là Ngô Ẩn Tử vô cùng hiếu thảo với cha mẹ. Lúc mẹ anh ta mất, anh ta khóc vô cùng đau thương. Tấm lòng hiếu thảo của Ngô Ẩn Tử được truyền đến tai đại quan Hàn Khang Bá. Hàn Khang Bá sau đó đã tiến cử Ngô Ẩn Tử làm quan. Về sau, Ngô Ẩn Tử làm đến chức quan Thượng thư.
Ngoài tài năng ra thì cổ nhân rất xem trọng đức hạnh của một người, đặc biệt là lòng hiếu kính cha mẹ. Một người có thể đối xử tốt với cha mẹ mình thì thể hiện đó là người hiểu về lòng biết ơn. Ở trong sâu thẳm tâm, đó là một người lương thiện. Trái lại, một người ngỗ ngược, luôn bất bình với cha mẹ thì đó không phải là một người tốt. Người đối với cha mẹ như vậy thì không đáng giá kết giao.
🔻 Đối đãi với vợ chồng
Mối quan hệ vợ chồng là mối quan hệ chính yếu nhất trong xã hội. Nếu mối quan hệ ấy không hòa thuận thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ khác như cha con, anh em, bạn bè… Vì thế muốn kết giao với một người cần phải xem mối quan hệ vợ chồng của người ấy có hòa thuận hay không.
Nếu trong gia đình, đó là một người chồng người vợ tốt, coi trọng gia đình, hiểu đạo lý, có trách nhiệm thì họ là những người đáng giá kết giao. Còn nếu đó là một người vô trách nhiệm, không quan tâm coi trọng gia đình, đối với bề trên thì không hiếu thuận, đối với con cái lại không chăm lo thì đó là một người không đáng giá kết giao.
Khi chúng ta kết giao với một người đến mức thân tình thì mối quan hệ không chỉ đơn giản là hai người mà đó là mối quan hệ giữa hai gia đình với nhau. Nên vợ chồng hòa thuận hay không cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến chúng ta, đến gia đình chúng ta.
🔻 Thái độ khi gặp khó khăn
Đa số người ta khi gặp phải khó khăn, nguy khốn lớn thì thường sẽ lo sợ bất an. Khi ấy, một người không có bản lĩnh sẽ không thể giữ được bình tĩnh, cũng sẽ dễ dàng nói những lời phẫn nộ, thô lỗ. Họ bắt đầu oán trách người khác, trách trời trách đất, trách xã hội bất công. Thậm chí họ có thể làm ra những hành vi bảo vệ bản thân, làm hại người khác.
Một người dễ dàng xao động như vậy sẽ khó làm bạn được lâu dài. Một người có nội tâm trầm ổn, gặp sự tình gì cũng có thể bình tĩnh được vài phần thì mới tìm được đường ra. Cho dù họ có bị vây khốn trong một thời gian, họ cũng sẽ chậm rãi kiên trì, cuối cùng tìm được cơ hội đi tiếp.
Hơn nữa, những người bình tĩnh ôn hòa là người trưởng thành, biết suy nghĩ đến người khác, không vì bực tức mà làm tổn hại đến lòng tự tôn, lợi ích của người khác. Kết giao với một người như vậy không chỉ cho chúng ta có một người bạn mà còn cho chúng ta một người thầy.
Nhận xét
Đăng nhận xét