Trang Tử: 5 điều giúp sống trí tuệ ở tuổi trung niên
Cuộc đời giống như một vở kịch, đầy những niềm vui và nỗi buồn, chỉ có tu dưỡng một tâm linh trong sáng và một trí tuệ minh tỏ thì người ta mới cảm nhận được những điều tuyệt diệu của nhân sinh. Về vấn đề này, Trang Tử đã để lại 5 chỉ dẫn tràn đầy trí tuệ và triết lý. Lĩnh hội được chúng, cuộc sống của một người sẽ càng khoáng đạt, tự tại hơn.
🔻 1. Trân quý bản thân mới có thể trân quý người khác
Trang Tử nói: “Đạo không nên lẫn lộn, lẫn lộn thì sẽ nhiều, nhiều sẽ hóa phức tạp, mà phức tạp sẽ hóa phiền phức, phiền phức sẽ hóa ưu sầu, mà ưu sầu thì không thể cứu chữa. Từ cổ chí kim, con người ta đều trước tiên là lập thân rồi mới có thể giúp được người.”
Có rất nhiều việc trong cuộc sống một khi nhiều lên thì sẽ trở nên phức tạp, một khi phức tạp rồi sẽ biến thành hỗn loạn, càng hỗn loạn sẽ càng dễ dẫn đến tai họa. Do đó muốn giải quyết sự tình, thì cái gốc là tâm tính của bản thân phải nắm cho thật vững. Có như vậy mới không bị mê lạc.
Nho gia cũng giảng, con người trước hết phải tu thân, tề gia sau đó mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Vì vậy, muốn học cách trân quý người khác trước hết phải trân quý chính bản thân mình.
🔻 2. Biết lượng sức mình mới có thể thành đại sự
Trang Tử giảng rằng: “Con châu chấu dùng cái chân bé xíu của mình mà đá vào bánh xe ngựa, đương nhiên là thất bại. Đây là bởi vì châu chấu đã đánh giá quá cao bản thân, thiếu hiểu biết bản thân nên mới dẫn đến kết quả thảm hại.”
Lão Tử cũng giảng: “Biết người là trí, tự biết mình là minh”. Một người chỉ có hiểu biết chính mình thì mới không rơi vào tự phụ hoặc tự ti. Mỗi người đều phải hiểu được ưu nhược điểm bản thân mình thì mới có thể đánh giá, nhận thức đúng về chính mình. Hiểu chính mình mới không đánh giá quá cao hay quá thấp sự việc, từ đó mới tránh được tổn thất.
🔻 3. Nhìn không thuận mắt là do bản thân tu dưỡng chưa đủ
Trang Tử nói: “Không phán xét chuyện thị phi, bởi đó là chuyện của thế tục rồi”. Có những sự tình xảy ra trong cuộc sống thật khó để phân định rạch ròi. Bởi vậy Trang Tử cho rằng làm một người trí tuệ và sáng suốt thì không nên đi tranh biện thị phi mà nên học cách coi chúng là những điều tất nhiên sẽ xuất hiện ở đời.
Thế giới vô cùng rộng lớn, mỗi người lại đều có lập trường và cách nhìn nhận của riêng mình. Người trưởng thành là người biết đặt mình vào người khác để xem xét, suy nghĩ, lấy thiện đối đãi người, biết đứng ở góc độ của người khác mà nhìn nhận vấn đề.
Một người ấu trĩ, chỉ biết sống với suy nghĩ của mình, với thế giới nhỏ bé của mình, luôn so đo tính toán được mất thì nhìn đâu cũng thấy không vừa ý. Nhân sinh trên đời, sự tình không vừa ý có rất nhiều, học cách tươi cười bỏ qua thì mới ung dung, thản đãng.
🔻 4. Việc không thể làm, thuận theo tự nhiên
Trang Tử nói: “Người chú trọng tu dưỡng bản thân, cho dù là bi ai hay vui sướng cũng không dễ dàng khiến họ bị ảnh hưởng. Họ biết thế sự gian nan, không thể làm thì an theo thiên mệnh. Đây chính là cảnh giới cao nhất của tu dưỡng đạo đức.”
Đời người có thăng trầm buồn vui, mặt trăng có lúc tròn lúc khuyết, cuộc đời của bất kỳ ai cũng không thể hoàn mỹ. Cho nên, học được cách điều chỉnh tâm thái của bản thân, tận trách nhiệm và nghe theo thiên mệnh, thích ứng với hoàn cảnh thì mới trở thành người sáng suốt, làm chủ được đời mình.
🔻 5. Nội tâm trong sáng mới không bị mê lạc
Trong “Trang Tử. Nhân gian thế” có viết: “Đừng nghe bằng tai, mà phải nghe bằng tâm. Sau đó chớ nghe bằng tâm, mà phải nghe bằng khí. Tai không nghe âm thanh bên ngoài. Tâm không tưởng đến sự vật bên ngoài. Khí vốn hư không, nên lấy nó mà tiếp đãi sự vật. Chỉ có Đạo tập trung trong hư không. Hư không là tâm trai tịnh.”
Tâm của con người là thứ phức tạp nhất trên thế giới, nhưng cũng có thể từ đó mà bồi dưỡng ra đại trí tuệ. Bởi vì chúng ta có thể dùng tai để nghe, dùng mắt để nhìn, dùng tâm để suy tưởng. Mặc dù vậy, suy cho cùng thì những cảm quan này đều có giới hạn, chỉ có khống chế được dục vọng, ham muốn mới có thể nhẹ nhàng thoát khỏi những bụi bặm của lo âu và mê mang, mới khiến nội tâm trong sáng hơn, từ đó ít mắc sai lầm hơn.
Trang Tử cũng từng nói: “Thị dục thâm giả thiên ky thiển”, ý nói một người có dục vọng quá nhiều thì sẽ tồn tại nhiều khuyết điểm về trí tuệ và tâm tính, trở nên mê muôi và vô tri. Gia Cát Lượng cũng từng nói: “Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi”.
Con người sống trên đời nếu có thể có được trí tuệ minh bạch, giống như một hồ nước thật sâu luôn bảo trì được sự an tĩnh, đơn giản và đạm bạc thì mới có thể nuôi dưỡng được vạn vật, gặp sóng lớn mà không kinh.
Nhận xét
Đăng nhận xét