Đường dù ngắn không đi không đến, việc tuy nhỏ không làm không thành
Trong sách “Tuân Tử. Tu thân” viết: “Đường dù ngắn không đi không đến, việc tuy nhỏ không làm không thành”. Những lời này có ý khuyên răn mọi người trong cuộc sống muốn đạt được mục tiêu thì phải có hành động cụ thể. Nếu một người chỉ nói mà không làm, chỉ lý luận suông thì trên đường đời này cho dù là một việc nhỏ cũng sẽ không hoàn thành.
Đạo đức truyền thống rất coi trọng sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, nói được phải làm được. Các bậc hiền triết cho rằng mục đích của học tập là phải đạt đến mức “tri hành hợp nhất” (tri thức và hành động phải đi đôi với nhau).
Trên đường đời có những người tuy rằng có năng lực hơn người, đã có mục tiêu rõ ràng, nhưng lại chần chừ không có kế hoạch thực hiện, làm việc không đến nơi đến chốn, kết quả khi năm tháng trôi qua rồi vẫn chỉ là “kẻ vô tích sự”. Lại cũng có những người dù rằng trí tuệ không cao siêu, năng lực không quá phi thường nhưng một khi có lý tưởng, có con đường liền lập tức hành động. Dựa vào sự kiên trì của bản thân mà hoàn thành được sự nghiệp to lớn khiến người khác ngưỡng mộ. Cho nên, khi chúng ta đã xác định được con đường và mục tiêu của mình rồi, không nên vì điều gì đó không quá quan trọng mà còn ngần ngại, lưỡng lự không bước đi.
Có một câu chuyện đáng suy ngẫm như thế này: Trước đây ở trong một ngôi chùa, có một vị hòa thượng trẻ đến thời điểm muốn đi vân du bên ngoài nhưng vẫn chưa quyết tâm lên đường.
Một hôm, sư trụ trì hỏi vị hòa thượng trẻ: “Khi nào thì con lên đường?”
Hòa thượng trẻ tuổi nói: “Thưa thầy! Cuối tuần sau, vì đường xá xa xôi nên con đã nhờ người làm cho mấy đôi giày cỏ, khi nào nhận giày xong thì con sẽ lên đường.”
Sư trụ trì trầm mặc một lát rồi nói: “Chi bằng thế này, để ta mời chúng tín quyên tặng cho con.”
Không biết vị sư trụ trì đã nói với bao nhiêu người, nhưng ngày hôm sau có hơn chục người đã gửi giày cỏ đến chùa. Số giày ấy chất đầy một góc thiền phòng.
Sáng sớm ngày hôm sau lại có một người mang ô đến tặng cho hòa thượng trẻ tuổi. Hòa thượng ngạc nhiên hỏi: “Vì sao thí chủ lại tặng ô cho tôi?”
“Sư phụ của ngài nói rằng ngài sắp đi xa, trên đường sợ rằng sẽ gặp phải mưa lớn nên đã hỏi tôi có thể tặng cho ngài một chiếc ô hay không”, người mang tặng ô trả lời.
Nhưng hôm ấy không phải chỉ một người này đến tặng ô, mà đến buổi tối, hòa thượng trẻ phát hiện ra trong phòng có đến 50 chiếc ô tất cả, chất đầy một góc phòng.
Sau buổi kinh tối, sư trụ trì đi vào phòng và hỏi hòa thượng trẻ: “Giày cỏ và ô như vậy liệu đã đủ chưa?”
Hòa thượng trẻ đưa tay chỉ vào đống ô và giày cỏ trong góc phòng rồi nói: “Thưa thầy, đủ rồi ạ! Nhưng mà quá nhiều, con không thể mang theo hết được! Phải làm sao bây giờ?”
Sư trụ trì nói: “Mưa gió vốn bất ngờ, ai mà biết được con sẽ đi biết bao nhiêu đường, gặp bao nhiêu trận mưa rào? Ngộ nhỡ giày cỏ hỏng, ô thì lại mất thì biết phải làm sao?”
Trầm ngâm một lát, sư phụ lại nói: “Con còn có thể gặp không ít dòng suối, nên ngày mai ta sẽ thỉnh cầu chúng tín quyên tặng một chiếc thuyền. Con hãy mang nó theo cùng luôn đi…”
Hòa thượng trẻ tuổi lúc này đã hiểu ra dụng ý của sư trụ trì nên vội vã quỳ sụp xuống và nói: “Đệ tử bây giờ sẽ đi ngay! Cũng không mang theo gì cả!”
Khi làm một việc gì, điều quan trọng không phải là ngoại vật mang theo bên mình có đầy đủ hay không mà là bản thân mình có đủ quyết tâm hay không. Khi một người đã có đủ quyết tâm và vạch được ra mục tiêu rồi thì tất cả đều không là vấn đề tối quan trọng nữa.
Mục tiêu là ở nơi xa nhưng con đường là ở ngay dưới chân mình. Mỗi một bước đi trên đường đời đều là một chút thu hoạch, là một bài học. Khi một người mang theo tâm kiên định bước trên đường đời thì hết thảy ngoại vật tự nhiên sẽ đầy đủ.
Trong cuộc đời cũng vậy, một khi đã xác định được mục tiêu của đời mình, hãy mang theo ý chí quyết tâm và bước đi bằng chính đôi chân của mình, đừng quá chờ đợi và phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài rồi để lỡ mất mà hối tiếc không nguôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét