Vạn sự tùy duyên, thuận theo tự nhiên là lựa chọn tốt nhất
Cổ nhân có câu: “Sống chết có số, phú quý do Trời”. Hết thảy những phiền não của con người phần lớn đều là vì lo được lo mất, canh cánh trong mình một sự tình nào đó. Bởi vậy đối với hết thảy sự tình trong cuộc sống, thuận theo tự nhiên mới là cách lựa chọn tốt nhất.
Có một câu chuyện hài hước về Thái Tương là vị quan, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng thời Bắc Tống như thế này. Thái Tương có một bộ râu rất rậm nên mọi người thường gọi ông là “Mỹ nhiêm công”. Tống Nhân Tông rất thích bộ râu của Thái Tương nên có một lần hỏi đùa ông rằng: “Không biết ban đêm khi ái khanh ngủ, chòm râu này đặt ở trong hay ở ngoài chăn bông?”
Thái Tương nghe thấy câu hỏi này thì giật mình vì chính ông cũng chưa bao giờ để ý đến điều đó. Vì thế, ông không thể trả lời được.
Đêm đó, khi Thái Tương ngủ, ông hết đặt chòm râu ra ngoài chăn rồi lại cho vào trong chăn. Cuối cùng, cả đêm không biết nên đặt ở trong hay ở ngoài cho thích hợp nhất. Mãi sau, ông mới chợt hiểu ra, đó là lúc bình thường căn bản không cần để ý, râu ở bên trong chăn hay ở bên ngoài chăn chẳng phải cũng như nhau, hãy để nó thuận theo tự nhiên là hơn hết.
Kỳ thực, con người ngủ như thế nào, thức dậy như thế nào đều là việc rất tự nhiên. Nếu trong lòng có chấp nhất, gượng ép thì lại thành ra trái với tự nhiên.
Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thông thường đều là ở trong cường điệu bản thân quá mức hoặc truy cầu quá nhiều rồi không đạt được mà đau khổ. Mọi việc không cần phải cố ý đi thể hiện, dùng tâm thái bình thản để đối đãi các sự tình trong cuộc sống, hết thảy thuận theo tự nhiên, không cần gượng ép, mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.
Vậy thì làm thế nào mới có thể đạt đến tâm cảnh này? Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”, tức là người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên. Đây chính là nói con người, Trời, Đất và vạn vật trong vũ trụ phải hài hòa, thuận theo quy luật của vũ trụ.
Con người trong tâm có Đạo, có tiêu chuẩn đúng sai, có lương tri, thì đối với mọi việc không phải là tâm thái cầu được sợ mất, mà là tâm thái thản đãng, dám đối diện để duy hộ chính nghĩa. Bởi vậy trong Đạo gia và Phật gia mới có cách nói “hộ Pháp”, “hộ Đạo”, ý nghĩa chính là duy hộ tiêu chuẩn của tự nhiên, của vũ trụ, duy hộ chân lý.
Trong cuộc sống có rất nhiều sự tình mà tôn giáo hay người có tín ngưỡng nhìn nhận khác với xã hội nói chung. Chẳng hạn có người không tín Thần hỏi: Nếu có Thần, có Phật, có Chúa thì tại sao Thần Phật lại để con người khổ đau như thế? Kỳ thực Thần Phật Chúa là Thiện, là mỹ hảo, nhưng các Ngài là những giác giả bảo hộ chân lý, tự nhiên sẽ không vô cớ mà hủy đi quy luật nhân quả thiện ác hữu báo trong thế gian. Nếu có cứu giúp con người thì cũng đều thuận theo tự nhiên, thuận theo luật của vũ trụ mà bảo hộ tất cả, sẽ không phải là hiển hiện trên bầu trời, phẩy tay một cái để con người hết nạn hết tội.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, một kẻ lang thang đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên Đài Sen nhận cúng bái của mọi người, thì vô cùng ngưỡng mộ.
Kẻ lang thang bất giác đứng đó tần ngần, buột miệng nói: “Con có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không?”
Bên tai anh ta bỗng vang lên tiếng trả lời: “Con không thể. Con còn chưa biết yêu cầu của mình bất kính đến nhường nào. Con hãy đứng bên cạnh đây và nhìn đi, chỉ cần con không mở miệng, không ai sẽ nhìn thấy con hết.”
Kẻ lang thang đứng cạnh đài sen. Trước mắt của anh ta là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này cầu điều kia. Anh ta vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng.
Mấy ngày sau, một người giàu có đến trước tượng Bồ Tát cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt.”
Nói xong ông ta dập đầu, đứng dậy, nhưng ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát nên ngừng lại.
Sau khi người giàu có đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người nghèo nói: “Cầu xin Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.”
Cầu xong ông ta dập đầu, đứng dậy và nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo khổ thốt lên: “Bồ Tát quả thật hiển linh rồi.”
Người nghèo khổ cầm túi tiền bước đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh ta lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát nên cũng kịp ngậm miệng lại.
Lúc này, một người ngư dân đi vào. Người ngư dân cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.”
Người ngư dân dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị người giàu có vừa quay trở lại níu áo. Người giàu có cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền của mình, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi.
Kẻ lang thang đến lúc này đã không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to: “Dừng tay!” Rồi đem sự việc nói ra. Tranh chấp nhờ đó mà được yên.
Chuyện qua rồi, bên tai kẻ lang thang vang lên tiếng nói: “Con cảm thấy làm vậy là đúng chăng? Con tự cho mình rất công bằng, nhưng người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân, người giàu không có cơ hội tu đức hạnh, còn người ngư dân lần này ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển. Nếu con không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu, người giàu tốn chút tiền nhưng sẽ tu được tâm tích được đức, ngư dân cũng vì dây dưa kéo dài thời gian mà không có cách nào lên thuyền.”
Kẻ lang thang im lặng, tần ngần hồi lâu, dập đầu trước tượng Bồ Tát và lui ra…
Cũng có người thắc mắc rằng thuận theo tự nhiên phải chăng là không làm gì cả, cứ để mặc mọi thứ? Đây lại hoàn toàn không phải là thuận theo tự nhiên. Hàm ý của câu nói thuận theo tự nhiên là thuận theo sự vận hành của Thiên Đạo. Mặt trời, mặt trăng và các vì sao chuyển động không chút ngơi nghỉ, duy trì hoàn cảnh sống cho con người; con người cũng như vậy, nên là kiên trì làm việc tuân theo lương tri. Bởi thế người xưa nói: “Thiên đạo thù cần”, Đạo của Trời xanh là ban thưởng cho người chăm chỉ vậy. Con người không động tay, không động chân, không động não, mà muốn có cơm bưng nước rót, ấy là điều không thể vậy.
Nói ngược lại, kỳ thực, có rất nhiều sự tình trong cuộc đời, nó là thế nào thì chính là như thế đó. Trong một sự việc, thái độ của chúng ta không phải là cưỡng cầu, lo được lo mất, mà là thản đãng duy hộ chính nghĩa trong tâm, là tận tâm tận lực có thủy có chung nhưng không chấp nhất. Còn những điều khác, tự nó sẽ theo dòng chảy của duyên phận mà xảy ra, trong mệnh đáng được gì thì tất sẽ có được.
Nhận xét
Đăng nhận xét