Vô cầu không phiền não là đạo dưỡng sinh, cũng là đạo xử thế
Cuộc đời của mỗi người là một hành trình không ngừng truy cầu hướng về phía trước. Có người theo đuổi công danh, lợi lộc, có người nỗ lực học hành, có người lại bận rộn với gia đình của mình. Vậy nên người ta hiếm khi hiểu được cảm giác vô cầu không phiền não.
Trong cuốn “Trang Tử – Ngư Phủ” có giảng rằng: “Người giỏi kỹ xảo thường mệt mỏi nhất, người thông minh hàng ngày thường lo lắng, chỉ những người không có bản sự gì mới không truy cầu, ngày ngày nhàn nhã rong chơi khắp chốn, như chiếc thuyền nhỏ không phải neo đậu.”.
Người không có bản sự gì mà Trang Tử nói tới ở đây, không phải là kẻ ngốc, lại càng không phải là kẻ vô năng. Kỳ thực, trong tâm họ không tự cho mình là người thông minh và có năng lực, vậy nên mới được nhàn nhã, không truy cầu.
Đây phải là người trong tâm có đức, hiểu được nhu cầu của bản thân, không mù quáng ganh đua, buông bỏ tất cả mới có được tâm thái này. Người như vậy không chỉ không làm lỡ đại sự, thậm chí còn đưa đến tác dụng tốt nhất, như con thuyền lững lờ trôi giữa dòng sông không sợ sóng dữ. Sự tự tại và an vui ấy chẳng mấy ai thấu hiểu.
Người vô cầu trong tâm đều là trống rỗng. Trống rỗng không phải là buông bỏ hay chán ghét sợ đời, mà là trạng thái vô tư vô ngã trong Phật gia, hay thuận theo tự nhiên trong Đạo gia.
Lão Tử giảng: “Nước là thiện nhất, nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh, vậy nên không phải lo phiền”, cũng nói: “Bậc thánh nhân không tranh giành, vì họ không tranh giành, cho nên thiên hạ không ai tranh giành với họ”.
Một người không tư lợi, trong tâm thường ôn hoà và thuần tịnh như nước. Lúc bình thường hành sự cũng thuận thời thế như nước, gặp nguy mà hoá an, dẫu phải đối mặt với trở ngại lớn hơn nữa cũng vẫn có thể thuận theo dòng.
Trời không bởi vì con người sợ lạnh mà bỏ đi mùa đông. Đất không bởi vì con người chán ghét hiểm trở mà thôi không rộng lớn. Người quân tử không bởi vì kẻ tiểu nhân mà thay đổi phẩm hạnh của mình. Trời đất có quy luật vận hành nhất định, người quân tử có phẩm hạnh vĩnh cửu.
Đạo gia còn có một câu nói nổi tiếng: “Cầu nhi bất đắc, bất cầu nhi đắc”, cầu thì không đắc, không cầu lại đắc. Có thể nói vô cầu là “đường tắt” đi tới thành công. Một người vô sở cầu, tâm ý đơn giản, khi giao thiệp với người khác sẽ không mang theo mục đích, chỉ thuần tuý, thánh khiết, nên dễ được người khác đón nhận. Họ lại biết sống thuận theo tự nhiên, không sinh chuyện thị phi, nên có thể tránh khỏi những điều trái ý, có thể thuận theo thời thế mà đắc được thời cơ. Khi những điều kiện này kết hợp lại, đó chẳng phải là yêu cầu cơ bản để đạt được thành công hay sao?
Dục vọng nhiều ắt sẽ truy cầu, truy cầu thì tâm phiền ý loạn. Kim tiền mỹ nữ, nhà cao cửa rộng, danh vọng sự nghiệp… luôn kích động sự yên định trong nội tâm con người từng phút từng giây. Tâm và thân là một thể thống nhất, thân tâm nặng nề ắt kéo theo bệnh tật. Thần y Biển Thước từng nói: “Tâm loạn bách bệnh sinh”. Tâm nhẹ nhàng ắt sẽ khoẻ mạnh, vô bệnh. Vậy nên tâm cảnh an yên là nguyên tắc đầu tiên giúp thân thể khoẻ mạnh.
Vô cầu là cảnh giới nhân sinh cao nhất, kỳ thực là đạo hoà hợp với tự nhiên, là đạo dưỡng sinh, cũng là đạo xử thế.
Nhận xét
Đăng nhận xét