DUNG TÚNG THAM TÂM ẮT RƯỚC TAI HỌA, ĐI SAI MỘT BƯỚC TỔN HẠI MỘT ĐỜI THANH DANH
Khổng Tử có câu: Một người không có chữ tín sẽ chẳng làm nên việc gì. Trong kinh doanh cũng vậy, nếu vì hám lợi mà giả dối bất tín thì kết cục sẽ vô cùng thê thảm. Những giáo huấn về vấn đề này từ xưa đến nay vô cùng nhiều.
Vào thời Xuân Thu, có một người tên là Vũ Phúc. Anh ta lúc nào cũng than phiền hoàn cảnh nghèo khó, lại thấy nhiều bạn bè làm giàu nhờ kinh doanh nên cũng muốn thử xem sao.
Đầu tiên, anh tìm đến một người bạn tên Kỳ Nhiên để xin lời khuyên về cách làm giàu. Kỳ Nhiên nói với anh, “Hiện nay, cây sơn mài đang có giá rất cao trên thị trường, tôi nghĩ anh nên thử kinh doanh loại cây này xem sao?”
Vũ Phúc rất hào hứng khi nghe về điều đó và hỏi Kỳ Nhiên một số kỹ thuật trồng cây sơn mài. Kỳ Nhiên đã rất kiên nhẫn trả lời tất cả các câu hỏi của anh ta. Sau khi Vũ Phúc trở về nhà, anh chăm chỉ cặm cụi ngày đêm làm việc. Cuối cùng, đã trồng được một vườn cây sơn mài lớn.
Trong ba năm, những cây sơn mài giờ đã vươn lớn rất cao. Vũ Phúc trong lòng vui sướng, suy nghĩ nếu những cái cây này giúp mình kiếm được hơn 30 triệu tiền sơn mài thì mình thật sự sẽ giàu có. Thế là, anh quyết định đến nước Ngô để bán số sơn mài này. Lúc này, anh trai của vợ đến thăm đã nói với Vũ Phúc, “Ta thường qua bên nước Ngô làm ăn. Ta biết trên thị trường đang có nhu cầu lớn về sơn mài. Cậu có thể thu lại vốn đầu tư của mình gấp nhiều lần hơn nếu cậu làm theo cách của những lái buôn kia.”
Nghe vậy, Vũ Phúc rất háo hức muốn trở nên giàu có, đã hỏi anh rể cách kiếm tiền. Anh rể của Vũ Phúc trả lời: “Sơn mài rất phổ biến ở nước Ngô. Ta thấy nhiều lái buôn muốn tăng sản lượng sơn mài đã gian lận bằng cách nấu lá sơn mài. Rồi sau đó trộn nhựa cây từ lá sơn mài với sơn mài. Bằng cách này, họ kiếm được nhiều tiền hơn. Người dân bên Ngô quốc sẽ không thể nào phát hiện ra được.”
Vũ Phúc nghe vậy rất cao hứng, anh ta đã làm theo cách của anh rể. Suốt đêm hôm đó, anh ta ngồi cặm cụi nấu lá sơn mài, rồi đun sôi số lá cây đó cho đến khi ra nhựa. Sau đó, anh ta đem sơn mài qua nước Ngô bán.
Vào thời điểm đó, quan hệ giữa nước Ngô và nước Việt rất căng thẳng. Các thương nhân không được phép qua lại, vì vậy sơn mài ở nước Ngô thực sự có nhu cầu rất cao. Những lái buôn sơn mài nghe tin Vũ Phúc đem sơn mài đến bán, họ rất vui mừng, đã cùng nhau đến vùng ngoại ô để gặp anh.
Họ đón tiếp anh rất nhiệt tình, còn sắp xếp một chỗ ở. Khi các thương gia xem mặt hàng sơn mài của Vũ Phúc, họ rất ngạc nhiên khi thấy rằng nó thực sự là hàng chất lượng cao. Sau đó họ đã thống nhất giá cả, niêm phong chum vại, hẹn một ngày nhất định đến lấy và thanh toán.
Ngay sau khi các thương nhân vừa rời đi, Vũ Phúc đã lén mở niêm phong, đổ ra một ít sơn mài tốt để dành lại sau đó bán, rồi trộn vào một ít nhựa lá cây đã nấu sẵn và cuối cùng đóng kín chum vại lại. Vì quá vội vàng nên anh ta đã bất cẩn để lại một số dấu vết. Ngày hôm sau, khi các thương gia đến, họ thấy rằng các con dấu đã bị hỏng. Nghi ngờ có điều gì khuất tất ở đây; sau một hồi bàn bạc, họ đã viện cớ rồi bỏ đi và nói rằng, họ sẽ trở lại trong vài ngày tới.
Tin tưởng, Vũ Phúc đã ở lại quán trọ trong nhiều ngày để đợi những lái buôn kia. Nhưng đã một ngày, hai ngày, rồi nhiều ngày trôi qua, những lái buôn kia vẫn không đến. Theo thời gian, lớp sơn mài trở nên xấu đi do bị trộn với nhựa cây. Kết quả là anh ta không bán được một chút sơn mài nào. Ngay cả số sơn mài chất lượng tốt giờ cũng chỉ là đống phế thải.
Những người thương gia sau đó biết chuyện. Họ vô cùng tức giận, mắng chửi anh ta: “Anh làm ăn thì phải liêm chính. Chất lượng hàng hóa không thể qua mắt được chúng tôi. Anh đã làm một việc đê hèn, sau này sẽ không còn một ai tin tưởng anh nữa đâu!”
Vũ Phúc sau đó không còn tiền để quay về quê. Anh ta chỉ còn cách ở lại nước Ngô đi lang thang xin ăn khắp nẻo đường. Nhưng vì không giữ chữ tín, mọi người đều chửi rủa và cười nhạo anh ta. Cuối cùng, anh ta chết vì đói.
Nhận xét
Đăng nhận xét