Khí tiết của cổ nhân: Sống làm nhân kiệt, chết làm quỷ hùng
Từ xưa đến nay, những người bảo trì được khí tiết “sống làm nhân kiệt, chết làm quỷ hùng” luôn được lịch sử ghi danh và cũng được người đời tôn kính, ngưỡng mộ. Đó cũng là khí tiết mà bậc quân tử, người anh hùng trượng nghĩa thời xưa luôn theo đuổi.
Vào năm Kiến Viêm thứ ba thời Tống Cao Tông, Lý Thanh Chiếu, thi sĩ nổi tiếng thời nhà Tống, đi ngang qua chỗ Sở bá vương Hạng Vũ tự vẫn. Đứng trước cảnh sông nước mênh mông, nhớ đến khí khái anh hùng của Hạng Vũ, bà đã thuận miệng ngâm ra bài thơ “Hạ nhật tuyệt cú”:
Sinh đương tác nhân kiệt
Tử diệc vi quỷ hùng
Chí kim tư Hạng Vũ
Bất khẳng quá Giang Đông
Tạm dịch:
Sống đáng người hào kiệt
Chết làm ma anh hùng
Nhớ Hạng Vũ thà chết
Không chịu về Giang Đông.
(Bản dịch của Nguyễn Văn Tùng, Thivien.net)
Đây là bốn câu thơ vô cùng nổi danh của Lý Thanh Chiếu. “Nhân kiệt” và “quỷ hùng” ở hai câu thơ đầu là hai từ có xuất xứ từ “Sử ký. Cao tổ bản ký” và “Sở từ. Cửu ca. Quốc thương” của Lưu Bang, được Lý Thanh Chiếu sử dụng để khái quát một cách trọn vẹn nhất về trí tuệ và cuộc đời của Hạng Vũ.
Sở Bá Vương Hạng Vũ được gọi là Bá Vương, bởi vì ông đánh đâu thắng đó, nói về dũng lực và khả năng cầm quân thì không ai bằng. Trong Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi chép rằng Hạng Vũ đánh quân Tần 9 trận thắng cả 9, đại phá quân Tần. Tướng các nước chư hầu khi vào bái kiến, mọi người đều “quỳ gối xuống mà đi tới, không ai dám ngẩng lên nhìn”.
Sử Ký của Tư Mã Thiên mô tả Hạng Vũ là bậc dũng giả, khoáng đạt, còn Lưu Bang thì có phần lưu manh, nhỏ nhen. Bá Vương Hạng Vũ nhiều lần thành công, danh vang thiên hạ. Tuy nhiên Hạng Vũ không phải là bậc trí giả, để mất quân sư Phạm Tăng, cuối cùng thua trong tay Lưu Bang.
Sau này khi hoàn toàn bại trận, chỉ còn một thân một ngựa, chạy đến bờ Ô Giang thì Hạng Vũ tình cờ gặp được người lái đò có ý giúp qua sông. Hạng Vũ vốn có thể qua sông một mình, bảo toàn tính mạng, về Giang Đông gây dựng lại binh lực. Nhưng ông than:
“Trời hại ta, ta vượt qua sông làm gì! Vả chăng Tịch này cùng tám ngàn con em Giang Đông vượt Trường Giang đi về hướng tây, nay không còn lấy một người trở về! Dù cho các bậc cha anh ở Giang Đông thương ta, cho ta làm vương, ta cũng còn mặt mũi nào mà thấy họ nữa. Dù họ không nói, Tịch này há chẳng thẹn trong lòng sao?”
Nói rồi Hạng Vũ quay lại, tả xung hữu đột, giết rất nhiều binh Hán, cuối cùng tự đâm cổ chết.
Hạng Vũ đến chết vẫn không đánh mất khí phách anh hùng, vậy nên Lý Thanh Chiếu cho rằng Hạng Vũ dù thất bại vẫn được coi là anh hùng cái thế.
Bài thơ “Hạ nhật tuyệt cú” này tuy chỉ có bốn dòng nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc và gây xúc động mạnh, đề cao tinh thần anh hùng của Hạng Vũ, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, cho rằng cái chết không đáng để so sánh với khí tiết.
Hạng Vũ đã khắc nên hình tượng một người đàn ông đầu đội trời chân đạp đất, không tham sống sợ chết. Tuy rằng chết đi nhưng Hạng Vũ không để lại một sự bi thương thất bại mà để lại cho đời một hình tượng phong lưu cái thế, một khí tiết “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành”, bi tráng mà cao đẹp, hào khí trường tồn. Vì thế trong ghi chép lịch sử hay trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, Hạng Vũ vẫn được khắc họa là anh hùng thực sự.
Lý Thanh Chiếu tức cảnh sinh tình làm ra bài thơ này còn vì một nguyên do khác. Bấy giờ Hoàng đế đương thời là Tống Cao Tông. Tống Cao Tông là một trong những vị Hoàng đế kém kỏi bậc nhất lịch sử. Sau khi cha và anh trai bị quân Kim bắt, Tống Cao Tông không những không nằm gai nếm mật, giành lại quốc thổ, mà trái lại trọng dụng gian thần, hại chết trung lương. Dẫu Nhạc Phi giúp Tống Cao Tông giành lại rất nhiều lãnh thổ thì vẫn bị hại chết. Sau khi mất Nhạc Phi, Tống Cao Tông lần lượt cống nạp hết đất này đến đất khác, đem phần lớn giang sơn và con dân bán đứng cho quân Kim.
Con người sống trên đời nên là giống Hạng Vũ không nên giống Tống Cao Tông, phải sống một cách chân thành, sống một cách khoáng đạt độ lượng, không đánh mất chí khí liêm sỉ, không vì tham sống sợ chết mà đánh mất lương tri.
Một người dù sống trường thọ hay yểu mệnh thì thanh danh tốt đẹp hay tai tiếng xấu xa cũng sẽ đều lưu giữ lại. Bởi vậy, vô luận là sinh mệnh dài hay ngắn, vô luận là sự nghiệp thành công hay thất bại đều phải giữ được khí tiết hùng tráng, khí khái ngạo nghễ, giữ được liêm sỉ của bản thân. Người như vậy mới có thể nhìn lên không hổ thẹn với trời, nhìn xuống không hổ thẹn với người, soi xét lại sẽ không hổ thẹn với lương tâm của chính mình.
Trong “Lễ ký. Trung dung”, Khổng Tử viết: “Tri sỉ cận hồ dũng”, người có tâm cảm thấy hổ thẹn thì cũng là người dũng cảm. Một người khi biết xấu hổ trong tâm thì người đó mới không tham lam trước của cải, không khuất phục trước nghịch cảnh, mới có thể khiêm tốn thoái nhượng, chọn lựa lấy hay bỏ đều có chừng mực. Vô luận là đối với việc tu dưỡng của một cá nhân hay khí tiết của một dân tộc thì biết xấu hổ luôn là con đường chỉ dẫn cho lương tri. Biết hổ thẹn, đó là biểu hiện nổi bật của “dũng khí”, là đức hạnh căn bản của làm người.
Kỳ thực, soi xét lại lịch sử có thể thấy, một người được lưu danh sử sách được người đời kính trọng hay để lại tiếng xấu muôn đời và bị thế nhân phỉ nhổ đều là kết quả của sự lựa chọn trên đường đời của họ. Lựa chọn sống ra sao sẽ quyết định tương lai của bản thân. Đừng vì chút lợi ích trước mắt, vì phóng túng dục vọng mà hủy hoại vĩnh viễn thanh danh và sinh mệnh chân chính của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét