Muốn thành công thì cần “chuyên tâm trí chí”
Trong “Mạnh Tử. Cáo tử thượng”, Mạnh Tử đã dùng việc chơi cờ để giải thích nguyên nhân quân vương vì sao không được sáng suốt. Ông kể rằng xưa có một kỳ thủ tên là Dịch Thu, ông có hai đồ đệ, một người “chuyên tâm trí chí” (nhất tâm một lòng học nghệ), còn người kia thì “tâm viên ý mã” (tâm thần không định lại được, lúc nào cũng nghĩ việc khác, tâm như con khỉ, ý như con ngựa).
Kết quả, tuy hai đồ đệ học chung với nhau, lại cùng được một danh sư truyền thụ, nhưng người mà “chuyên tâm trí chí” trở thành một kỳ thủ, còn người “tâm viên ý mã” thì chẳng học được gì cả. Điều này không phải là bởi vì trí lực của anh ta không bằng bạn mà là cái tâm của anh ta luôn bị xao động, không chú tâm.
Mạnh Tử dùng câu chuyện này để giải thích tại sao trong lịch sử có khá nhiều quân vương có năng lực, được giáo dục tốt, có nền tảng đáng kể, có thể chấp nhận lời khuyến thiện nhất thời, nhưng lại không thể chịu được sự cám dỗ liên tục ở xung quanh. Mấu chốt là ở chỗ làm việc không được “chuyên tâm trí chí”, không thể chiểu theo chính niệm trong tâm mà kiên trì tiếp tục, vì thế mà không thể minh trí sáng suốt được. Thứ tốt vừa được gieo trồng xuống nội tâm như hạt giống, vừa cấp cho nó ánh nắng một ngày thì lại để nó bị đóng băng trong mười ngày, như vậy rốt cuộc hạt giống ấy sẽ không thể nảy mầm được, chính niệm sẽ không được duy trì.
Trái ngược lại với “chuyên tâm trí chí” chính là “tâm viên ý mã” (ý nói cái tâm ý không định). Nói đến “tâm viên ý mã” thì thành ngữ này cũng có một cách hiểu khác. Trong tác phẩm “Tây Du ký” nhiều lần nhắc đến “Tâm viên” (tâm như con khỉ) và “Ý mã” (ý như con ngựa). “Tâm viên” là ám chỉ Tôn Ngộ Không, còn “Ý mã” là ám chỉ Bạch Long Mã. Hai nhân vật này là ẩn dụ cho nội tâm của con người và ý niệm tư tưởng của con người.
Trong “Tây Du ký”, Bạch Long Mã sợ Tôn Ngộ Không. Điều này để nói rằng ý phụ thuộc vào tâm, tâm có định thì ý mới định được, mới có thể làm được toàn tâm toàn ý. Tôn Ngộ Không thu phục Bạch Long Mã, cũng chính là cái tâm đã thu phục được ý, đạt đến tâm ý hợp nhất. Chỉ cần tâm ý hợp nhất, chí hướng kiên định thì sẽ đạt được mục tiêu.
Từ góc độ năng lực mà xét, Bạch Long Mã bản chất vốn là một con rồng. Trong phong thủy thời cổ xưa là có thuyết pháp về long mạch. Mà tu luyện Đạo gia coi thân thể người như là một vũ trụ, trong cơ thể người đâu đâu cũng có mạch lạc, trải rộng khắp toàn thân. Tâm của con người đã đạt đến cảnh giới cao thâm rồi thì mạch lạc tất sẽ được đả khai. Đây cũng là một loại nhận thức.
Trong cuộc sống thường ngày, ai cũng biết khi chúng ta tập trung làm một việc gì đó thì sẽ làm việc rất hiệu quả. Tuy nhiên, cái khó là ở chỗ nhiều người không thể tĩnh hạ cái tâm xuống và chuyên tâm làm được, thường xuyên suy nghĩ viển vông. Người thời xưa, làm việc ở các ngành nghề đều giảng phải đứng ngồi có tư thế, trong tâm có lễ độ, trạng thái thật giống như thiền định. Điều này ở một mức độ nhất định có thể đảm bảo cho người ta học tập được tốt, làm việc được tốt. Người hiện đại gần như không còn ai coi trọng việc này nữa, lúc ăn cơm lại xem ti vi, lúc học tập lại thích nghe nhạc, khi nói chuyện với người khác lại thường thường xem điện thoại. Khi nhìn lại một ngày của mình, dường như người ta sẽ thấy hiếm khi có thời gian để chuyên tâm làm một việc gì mà lại thường là nửa vời trong một thời gian dài, năng lượng luôn không tụ hợp lại, làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Hơn nữa, một người trong một thời gian dài mà tâm không tịnh thì sẽ khiến cho ý không định, cũng làm suy yếu ý chí của chúng ta, làm nảy sinh ra càng nhiều tạp niệm hơn, lại càng ảnh hưởng đến lý trí của chính bản thân mình.
Muốn làm tốt được một việc gì, muốn làm thành một sự việc gì, muốn làm một người thành công, muốn đi thật tốt con đường nhân sinh của mình thì thái độ và hành vi phải “chuyên tâm trí chí”. Người ta phải thường xuyên tẩy rửa nội tâm của mình, tự xét lại mình, dùng đạo đức và lương tri để nhận biết tốt xấu, giữ lại những cái tốt và kịp thời loại bỏ những cái xấu, làm được như vậy trí tuệ sẽ tăng lên và chúng ta sẽ bước đi trên con đường chân chính hạnh phúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét