Lão Tử bàn về ngộ tính của kẻ sĩ bậc thượng, trung, hạ
Trong xã hội hiện đại, không ít người có thói quen căn cứ vào quyền thế lớn nhỏ hay tài phú vật chất nhiều ít mà phân chia đẳng cấp một người. Nhưng người xưa lại không phân biệt như vậy, họ dựa vào phẩm hạnh đạo đức và mức độ lý giải đạo lý của một người mà phân chia. Cách phân chia nổi tiếng nhất phải kể đến được luận bàn trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử.
Trong Đạo Đức Kinh chương 41, Lão Tử viết: “Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu bất túc dĩ vi đạo”, nghĩa là kẻ sĩ bậc thượng được nghe đạo sẽ tích cực cố gắng mà thực hành theo, kẻ sĩ bậc trung nghe đạo xong lúc nhớ lúc quên, kẻ sĩ bậc thấp nghe đến đạo thì bật cười to, nếu không bị cười nhạo thì không đủ gọi là Ðạo. Lão Tử chia “sĩ” làm ba loại thượng trung hạ, dựa vào cảnh giới sau khi nghe Đạo của thế nhân mà phân chia.
Lão Tử dựa vào thái độ nghe Đạo của một người mà phân chia họ, chính là vì đây không phải “đạo” thông thường, không phải tùy tiện mà có thể cho người được đắc, vì vậy nó vô cùng trân quý. Trong phần mở đầu Đạo Đức Kinh, ông viết: “Đạo khả đạo, phi thường đạo”. Đạo của Lão Tử không phải đạo thường, mà giữa người có Đạo như ông và người phàm tục cũng có một sự cách biệt một trời một vực: “Người đời sáng tỏ, riêng ta mơ màng. Người đời trong trẻo riêng ta hỗn độn. Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta đần độn thấp hèn. Riêng ta khác người, mà quý mẹ nuôi muôn loài.” Ấy chính là Lão Tử nói về Đạo.
Lão Tử cũng nói rõ chỗ trân quý của chân Đạo như sau: “Lời ta rất dễ biết, rất dễ làm. Thiên hạ lại không biết, không làm. Lời ta nói có duyên do, việc ta có mấu chốt. Thiên hạ không biết ta. Hiếm người hiểu ta nên ta mới quý. Cho nên Thánh nhân mặc áo vải mà ẩn chứa ngọc.”
Để người hữu duyên có thể đắc Đạo, khiến bậc thượng sĩ cuối cùng có thể phản bổn quy chân quay trở về, trong 5000 chữ ít ỏi của Đạo Đức Kinh, Lão Tử đã nói cho thế nhân biết về hàm nghĩa của “Đạo” cùng với một loạt vấn đề như sự hình thành của vũ trụ, quan hệ căn nguyên của vạn vật, làm người như thế nào và cuối cùng là làm thế nào để đạt được phản bổn quy chân, v.v..
Cũng bởi Đạo trân quý mà không dễ hiểu, nên khi Đạo được truyền xuất ra thì những người đang sống trên thế gian sẽ có thái độ không giống nhau: “Kẻ sĩ bậc thượng được nghe đạo sẽ tích cực cố gắng mà thực hành theo, kẻ sĩ bậc trung nghe đạo xong lúc nhớ lúc quên, kẻ sĩ bậc thấp nghe đến đạo thì bật cười to, nếu không bị cười nhạo thì không đủ gọi là Ðạo.”
Người nghe Đạo mà bật cười to đó là bởi vì họ không nhìn ra được Thiên cơ ẩn chứa, chỉ cảm thấy những lời ấy là hoang đường viển vông, thậm chí ngờ nghệch ngốc nghếch. Còn người nghe Đạo lúc nhớ lúc quên, lúc làm theo lúc lại không, bán tín bán nghi là bởi vì nghe hiểu được một chút, lại có ngộ tính không cao nên không liễu giải được hoàn toàn những đạo lý trong ấy. Bậc thượng sĩ cao minh, ngộ tính tốt, nghe Đạo là có thể nhìn thấu bản chất của sự tình, quý tiếc chân lý và Đạo của vũ trụ mà chuyên cần thực hành theo.
Thái độ của một người sau khi nghe Đạo sẽ thể hiện ra sự khác biệt trong trí tuệ và ngộ tính của người ấy. Bởi vậy, vô luận là nam hay nữ, già hay trẻ, bần phú quý tiện, khi nghe được chân Đạo mà có thể lĩnh hội, hơn nữa còn thực hành một cách siêng năng thì đó là bậc sĩ thượng đẳng. Chỉ có người như vậy mới có cơ hội cảm ngộ được chân lý và đại Đạo của vũ trụ. Chỉ có người như vậy mới có cơ hội biết được Thiên cơ và tin vào sự tồn tại của Thần Phật. Người thượng đẳng sẽ không chìm đắm vào sự cạnh tranh lợi ích vật chất, cũng sẽ không bị giới hạn trong tri thức phiến diện của thế giới vật chất. Họ đều hiểu rằng chân lý cuối cùng của đời người chính là phản bổn quy chân, trở về với bản chất thực của con người.
Trong cuộc sống hiện thực, trước những lợi ích cá nhân, trước những đấu tranh giành quyền lợi, người ta thường cho rằng vì bản thân mà tranh mà đấu mới là người thông minh. Họ không nhìn thấy được hoặc cũng không đánh giá cao những giá trị tốt đẹp của sự chân thành, lương thiện trong xã hội. Người như vậy cho dù khi có được cơ hội nghe chân lý và đại Đạo của vũ trụ thì tự nhiên cũng sẽ khó lý giải khó tin tưởng. Thái độ của những người ấy thường là phớt lờ hoặc bật cười chế nhạo.
Ý nghĩa thực sự của đời người là gì? Nhiều người dành cả cuộc đời để tìm kiếm nó nhưng không thể liễu giải nổi. Hiện tại chúng ta là ai, quá khứ chúng ta là ai, tương lai chúng ta sẽ về đâu, rốt cuộc chúng ta từ đâu mà tới? Vì sao vận mệnh con người lại có sự khác nhau? Nếu như một người luôn cố chấp, không cho bản thân có cơ hội tiếp thu những tri thức vượt khỏi tầm hiểu biết hạn hẹp của bản thân, cho rằng những gì mình biết mới là đúng, thì sẽ rất khó để lý giải được những điều mà bản thân cả đời tìm kiếm.
Nhận xét
Đăng nhận xét