Trí tuệ cổ nhân: Thà “cùng mệnh” chứ không chịu “cùng tướng”
Người xưa có câu: “Ninh sinh cùng mệnh, bất sinh cùng tướng”, ý nói thà rằng sinh với mệnh nghèo khổ chứ không sống với tướng nghèo khổ. Xuất thân nghèo khổ là điều người ta không thể lựa chọn được, nhưng bản thân làm người như thế nào, đối nhân xử thế ra sao, thì lại là do chính chúng ta quyết định.
Có câu “tướng do tâm sinh”, một số người có thể dựa vào đặc điểm tướng mặt, tướng tay, lời nói, hành vi của một người mà phán đoán ra được tương lai của người ấy. Thời cổ đại có một nghề gọi là “tướng sĩ”, chuyên môn xem cát hung họa phúc tương lai cho mọi người, thậm chí là những sự biến đổi quan trọng trong cuộc đời của một người.
Tâm cảnh và tính cách bên trong của một người như thế nào sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tương lai của người đó. Mặc dù người ngoài khó có thể nắm bắt được rõ ràng suy nghĩ của họ, nhưng nó ít nhiều sẽ được biểu hiện ở hành vi và tướng mạo bên ngoài, đây là điều mà người ta gọi là “khí trường”, “khí chất”, “tướng do tâm sinh”.
“Ninh sinh cùng mệnh, bất sinh cùng tướng”, ý nói thà rằng mang mệnh nghèo khổ chứ không sống với tướng nghèo khổ. “Mệnh” ở đây cũng không phải chỉ là vận mệnh của một người mà bao gồm cả xuất thân tiên thiên và hoàn cảnh hậu thiên của người đó. “Tướng” cũng không phải chỉ là tướng mạo bên ngoài của một người mà nó còn là khí chất và ngôn hành cử chỉ bên ngoài của người đó.
“Cùng mệnh” tức là chỉ một người sinh ra trong một gia đình bần cùng nghèo khổ, hoặc là vào thời điểm nào trong cuộc đời trong nhà đột nhiên gặp phải biến cố lớn làm cho cảnh nhà bị khốn đốn. Người ta sau khi ra đời thì vạch xuất phát là không giống hệt nhau. Có người vừa đến thế giới này đã có tất cả, cơm ăn áo mặc không phải lo, mấy chục năm sống ít âu lo vẫn có thể dễ dàng đạt được mọi thứ mình mong muốn. Có những người ngay khi sinh ra đã không có gì cả, và dù có làm việc chăm chỉ cả đời cũng không có gì, trải qua nhiều năm cố gắng vẫn mãi lận đận. Dù thế nào đi chăng nữa, tất cả những điều này đều chỉ có thể được cải thiện ở một mức độ nhất định bằng sự nỗ lực rất lớn. Bởi vậy cổ nhân nói “định mệnh”, một người giàu hay nghèo, lúc nào giàu lúc nào nghèo thì cơ bản đều có định số, khó lòng xê xích.
“Cùng tướng” thì khác với “cùng mệnh”. Nó chính là không có chí tiến thủ, phủ định bản thân mình, không muốn cố gắng trong cuộc sống. Người “cùng tướng” gặp lúc khó khăn sẽ cho rằng bản thân mình sinh ra đã có số phận khổ nên bản thân không có khả năng thành công. Cũng chính vì ý nghĩ đó, họ oán trách trời đất. Người “cùng tướng” mà không thể thoát khỏi trạng thái tinh thần này thì nhất định cả đời cũng không thể đạt được thành tựu gì. Cho dù có người trợ giúp họ đi nữa mà không tự thay đổi bản thân thì cũng không thể khá hơn.
“Tâm sinh tướng”, tâm tính và hành vi cải biến thì hoàn cảnh sống xung quanh cũng sẽ cải biến. Người đối mặt với thế giới với thái độ “nghèo nàn” thì sẽ thấy bản thân nghèo nàn. Người đối mặt với thế giới bằng sự lạc quan thì sẽ thấy “sau cơn mưa trời lại sáng”. Một người có thể sống nghèo nhưng ý chí hoài bão thì không thể nghèo.
Lão Tử giảng trong Đạo Đức Kinh: “Hữu vô tương sinh, nan dịch tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy”, nghĩa là “có” và “không” sinh lẫn nhau, “dễ” và “khó” tạo nên lẫn nhau, “ngắn” và “dài” làm rõ lẫn nhau, “cao” và “thấp” dựa vào nhau, “âm” và “thanh” hòa lẫn nhau, “trước” và “sau” nối theo nhau. Họa và phúc dựa vào nhau mà tồn tại. Trong cuộc sống, dù gặp phải khốn cảnh cũng đừng quá buồn đau, gặp phải thuận cảnh cũng đừng quá vui mừng. Người ta có đắng cay mới biết trân quý ngọt bùi, đó chính là dư vị của cuộc sống.
Khi hai bàn tay trắng, chúng ta không nên từ bỏ hy vọng vào cuộc sống và không nên mang theo “cùng tướng” mà sống, còn khi chúng ta đã thoát khỏi “cùng mệnh”, cũng không nên mải hưởng thụ mà quên tâm nguyện lúc ban đầu của mình.
Nhận xét
Đăng nhận xét