Người có tâm lượng quảng đại mới làm được việc lớn
Nhà văn Victor Hugo của Pháp từng nói: “Trên thế giới thứ rộng lớn nhất là đại dương, nhưng thứ rộng lớn hơn đại dương lại là bầu trời. Mà thứ rộng lớn hơn cả bầu trời lại chính là lòng người.” Lâm Tắc Từ, một vị quan và vị tướng nhà Thanh, cũng nói: “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương”, biển vì có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn, vách núi nghìn trượng sừng sững vì không mang dục vọng mới có thể giữ mình cương trực. Đây cũng là nói đến trí huệ của lòng bao dung và tâm lượng quảng đại.
Sở dĩ biển rộng mênh mông không bờ không bến, không có giới hạn là bởi vì nó không cự tuyệt bất kỳ một giọt nước nào. Núi sở dĩ có thể đứng cao sừng sững vạn trượng là bởi vì nó không cự tuyệt bất luận một hòn đá nhỏ nào. Lẽ trời cũng là lẽ của con người, chính bởi vì có thể bao dung mới có thể thành tựu được biển rộng, núi cao, cũng cải thiện được mối quan hệ giữa con người và con người, thành tựu được sự nghiệp to lớn lưu mãi ngàn đời của các bậc anh hùng, hào kiệt xưa nay.
Bao dung là một loại khí phách, cũng là một loại trí huệ. Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của Tể Tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng quảng đại, rộng lớn bao nhiêu thì sự nghiệp sẽ to lớn bấy nhiêu.
Trong lịch sử từ xưa đến nay có rất nhiều bậc anh tài, tướng tài nhờ bao dung, tâm lượng quảng đại mà làm thành được việc lớn. Xưa kia, Bào Thúc Nha biết rõ và quý trọng nhân tài, không so đo tính toán mà bao dung tiến cử Quản Trọng.
Bào Thúc Nha và Quản Trọng, người nước Tề, thời Xuân Thu, là đôi bạn tốt luôn cùng nhau buôn bán. Bào Thúc Nha có tiền thì lấy phần nhiều đưa cho bạn, vì nghĩ gia cảnh bạn nghèo túng, còn mình thì nhận phần thiệt hơn. Hai người cùng nhau buôn bán và mỗi lần chia lãi thì bên nhiều bên ít như thế. Về sau, Bào Thúc Nha và Quản Trọng lại cùng vào quân đội chiến đấu. Có điều mỗi lần xuất trận, lúc tiến quân Quản Trọng đều đi phía sau, khi đoàn quân rút lui thì ông ta bao giờ cũng đi trước. Các binh sĩ đều nói Quản Trọng là kẻ hèn nhát. Bào Thúc Nha nghe được những lời bàn tán đó liền thay Quản Trọng thanh minh: “Quản Trọng giữ gìn vì sợ nếu chết sẽ không có người phụng dưỡng mẹ già.”
Bào Thúc Nha mỗi lần thanh minh cho Quản Trọng thì đều biến khuyết điểm thành ưu điểm, bởi một lẽ ông hiểu Quản Trọng và có tấm lòng bao dung quảng đại. Quản Trọng vì thế xúc động mà nói: “Người sinh ra ta là mẹ , người hiểu ta chỉ có Bào Thúc Nha mà thôi”. Giai thoại về Bào Thúc Nha và Quản Trọng, cũng như đức hạnh cao thượng của Bào Thúc Nha vẫn luôn được lưu truyền suốt hàng ngàn năm qua.
Một chuyện khác là Lận Tương Như hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác, nên ba lần bảy lượt né tránh và bao dung cho sự khiêu khích ngang nhiên của Liêm Pha.
Lận Tương Như bởi vì có công ngoại giao, giúp nhà Triệu vừa giữ được ngọc quý, vừa không bị mất mặt, nên được phong làm Thượng Khanh. Địa vị của Lận Tương Như đột nhiên cao hơn Liêm Pha, một vị tướng giỏi của nhà Triệu. Liêm Pha không phục liền tuyên bố rằng, chỉ cần gặp mặt Tương Như sẽ làm nhục ông. Sau khi Lận Tương Như biết được, ông đã cố gắng né tránh để không phát sinh xung đột với Liêm Pha.
Mỗi lần đến lúc vào triều, Lận Tương Như thường cáo ốm vì không muốn tranh giành chức vị với Liêm Pha. Liêm tướng quân về sau biết được lòng bao dung của Lận Tương Như thì đã cởi áo bào, mang theo một cành mật gai đến gặp Lận Tương Như để chịu tội. Lận Tương Như thấy Liêm Tướng quân đến xin chịu tội, vội vàng đi ra nghênh đón. Từ đó, hai người trở thành bạn tốt và đồng tâm hiệp lực bảo vệ nước Triệu, thành tựu được đại nghiệp.
Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng cũng khéo dùng sách lược thuyết phục mà “bảy lần bắt, bảy lần tha” Mạnh Hoạch – người một mực không phục ông. Hoàng đế nhà Đường, Đường Thái Tông Lý Thế Dân nhờ tâm lượng quảng đại mà có thể bao dung hết thảy những khuyên ngăn thẳng thắn của bề tôi nên cuối cùng dựng lập được triều đại hưng thịnh nhất Trung Hoa. Chính bao dung đã thành tựu cho sự huy hoàng của họ, càng thúc đẩy sự phát triển của lịch sử loài người.
Một nhà thơ nổi tiếng từng nói: “Một con người vĩ đại có hai trái tim: Một trái tim máu thịt và một trái tim bao dung”. Nho gia cũng nói: “Khoan dung thì được lòng mọi người”. Trong kinh Phật cũng nói: “Chỉ một ý niệm cũng khiến hoàn cảnh thay đổi”. Cho nên, chỉ một câu nói, một hành động nhỏ hay chỉ một nụ cười thôi đã đủ để khiến cho người xấu quay đầu hướng thiện.
Tục ngữ nói: “Vàng không phải thuần khiết, người không ai hoàn mỹ”. Khi đối mặt với sai lầm của người khác, nếu như canh cánh để ở trong lòng và đòi đáp trả thì sẽ chỉ khiến cho tâm linh của bản thân thêm nặng, thêm trầm trọng mà thôi.
Tuy nhiên, tâm lượng quảng đại, bao dung hết thảy cũng cần có nền tảng công chính, không phải là bao che cho sai lầm của người khác, không phải là dung túng để người khác phạm sai lầm mà là để tạo cơ hội tốt cho người khác sửa sai. Có những lúc, bao dung đem lại kết quả tốt đẹp hơn gấp ngàn lần sự trừng phạt. Đây cũng là lời khuyên răn và cách giáo dục của bậc thánh hiền xưa.
Biển rộng nguyện ý dung nạp những giọt nước thanh khiết nhất, và cũng nguyện ý dung nạp những giọt nước dơ bẩn nhất. Vì thế mà nó mới trở nên rộng lớn, không bờ không bến. Trăng sáng có thể chiếu rọi cho những nơi sông núi mịt mờ, cũng có thể chiếu rọi lên khắp mặt đất, không chê một ai. Làm người, vừa phải có tâm lượng quảng đại, bao dung được những thứ tốt và không tốt, còn phải bao dung chính mình, bao dung người khác và bao dung vạn vật trên thế giới thì mới thành tựu được một cuộc đời mỹ mãn.
Nhận xét
Đăng nhận xét